Mặt Trăng không phải là nơi hiếu khách và lý tưởng cho sự sống. Bề mặt Mặt Trăng là một hoang mạc lỗ chỗ và khô cằn hơn bất cứ nơi nào trên Trái Đất. Mặt Trăng được bao phủ bởi một lớp bụi bám dính và sắc nhọn, tiếp xúc với bức xạ cực mạnh, những trận mưa vi thiên thạch và nhiệt độ dao động từ 127 độ C vào ban ngày đến -173 độ C vào ban đêm.
Vài năm trước, Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA đã phát hiện nơi ẩn náu đầy hứa hẹn cho các nhà thám hiểm Mặt Trăng tương lai. Đó là những hố sâu trên bề mặt, có vẻ dẫn xuống các hang động và hang dung nham. Chúng có thể đủ lớn để chứa toàn bộ thành phố, thậm chí dùng làm nơi bảo tồn các mẫu động thực vật giống như tàu Noah. Những hang này sẽ là nơi trú ẩn tự nhiên khỏi bức xạ và vi thiên thạch.
Trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Geophysical Review Letters hôm 8/7, các nhà khoa học NASA phát hiện hố Mặt Trăng còn có thể ổn định nhiệt độ. Họ sử dụng dữ liệu từ Diviner, camera nhiệt trên LRO, để tính toán nhiệt độ bên trong một hố Mặt Trăng sâu 100 m ở vùng Mare Tranquilitatis.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, tại phần luôn chìm trong bóng tối, nhiệt độ chỉ thay đổi rất nhẹ trong suốt một ngày dài trên Mặt Trăng, dao động quanh mức dễ chịu là 17 độ C. Về cơ bản, một người có thể dạo chơi dưới đó mà chỉ cần mặc áo khoác mỏng.
Bất kỳ căn cứ tương lai nào trên Mặt Trăng cũng sẽ cần được kiểm soát khí hậu cẩn thận, nhưng phát hiện mới cho thấy có lẽ hệ thống kiểm soát sẽ không cần làm việc quá vất vả. Những hang động này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa con người trở lại Mặt Trăng, sớm nhất vào năm 2024 theo kế hoạch của NASA.
"Con người tiến hóa khi sống trong hang động và giờ chúng ta có thể quay lại với hang động khi sống trên Mặt Trăng", David Paige, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
Thu Thảo (Theo New Atlas)
- Hàn Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ đầu tiên đến Mặt Trăng
- Trung Quốc có thể biến Mặt Trăng thành trạm bảo vệ Trái Đất