Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature hôm 25/7, mẫu vật được khai quật trong khu rừng Charnwood ở hạt Leicestershire, miền trung nước Anh, có thể là tiền thân của ngành Sứa lông châm hay Thích ty bào (Cnidaria) hiện nay, bao gồm 11.000 loài sống dưới nước, chủ yếu là trong môi trường biển.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài mới là Auroralumina attenboroughii: từ đầu tiên có nghĩa là "đèn lồng bình minh" trong tiếng Latinh và từ còn lại để vinh danh nhà tự nhiên học huyền thoại người Anh Sir David Attenborough.
Với niên đại được xác định lên tới 560 triệu năm, Auroralumina attenboroughii là động vật ăn thịt lâu đời nhất từng được biết đến, xuất hiện sớm hơn 20 triệu năm so với loài giữ kỷ lục trước đó. Sinh vật này được cho là đã sử dụng bộ xúc tu dày đặc để bắt thức ăn trong các đại dương sơ khai của Trái Đất.
Hóa thạch dài 20 cm của Auroralumina attenboroughii in hằn trên một phiến đá bột kết và bao quanh bởi các dạng hóa thạch khác. Nhiều khả năng tất cả đã bị vùi lấp trong một dòng dung nham và tro bụi núi lửa chảy xuống sườn núi dốc dưới nước.
Những gì còn sót lại trên phiến đá gợi ý rằng Auroralumina attenboroughii có cơ thể phân nhánh và được bảo vệ bởi một bộ xương liền. "Một phần của khung xương này cắm xuống đáy biển mà chúng ta không thể nhìn thấy. Thật không may, hóa thạch không hoàn chỉnh", Tiến sĩ Frankie Dunn từ Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Đây là sinh vật có bộ xương lâu đời nhất mà chúng ta từng biết. Mới có một hóa thạch được tìm thấy nhưng có thể còn nhiều mẫu vật khác ngoài kia, nắm giữ chìa khóa cho thời điểm sự sống phức tạp bắt đầu trên Trái Đất", đồng tác giả Phil Wilby, Tiến sĩ cổ sinh vật học tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, nói thêm.
Đoàn Dương (Theo BBC/Guardian)
- Hóa thạch hiếm của quái vật đầu thú tiền sử
- Tìm thấy hóa thạch người tiền sử cổ xưa nhất ở châu Âu