Cá mập voi là loài ăn lọc và từ lâu giới khoa học đã quan sát chúng ăn nhuyễn thể ở rạn san hô Ningaloo ngoài khơi Tây Australia. Nhưng khi các nhà nghiên cứu phân tích mẫu sinh thiết từ cá mập voi sống quanh rạn san hô, họ phát hiện thực chất chúng ăn rất nhiều thực vật. "Điều này khiến chúng tôi phải nghĩ lại mọi điều đã biết về thức ăn của cá mập voi", tiến sĩ Mark Meekan, nhà sinh vật học ở Viện Khoa học Hải dương Australia, cho biết. Meekan và cộng sự mô tả chi tiết chế độ ăn của cá mập voi hôm 19/7 trên tạp chí Ecology.
Phát hiện này biến cá mập voi, loài cá dài tới 18 m, thành động vật ăn tạp lớn nhất thế giới. "Trên đất liền, những động vật lớn nhất đều là loài ăn cỏ. Ở biển, chúng ta luôn cho rằng động vật kích thước lớn như cá voi và cá mập voi ăn sinh vật giống tôm và các loài cá nhỏ. Có thể hệ thống tiến hóa trên cạn và dưới nước không giống nhau", Meekan nói.
Để tìm hiểu chính xác cá mập voi ăn gì, nhóm nghiên cứu thu thập mẫu vật nguồn thức ăn tiềm năng ở rạn san hô từ sinh vật phù du nhỏ tới tảo biển. Sau đó, họ so sánh axit amin và axit béo ở sinh vật phù du và thực vật với hợp chất trong cơ thể cá mập voi. Theo Meekan, mô cá mập voi chứa những hợp chất có ở Sargassum, một loài tảo biển màu nâu ở Ningaloo. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong quá trình tiến hóa theo thời gian, cá mập voi đã phát triển khả năng tiêu hóa tảo mắc trong ruột chúng.
Tiến sĩ Andy Revill, nhà sinh địa hóa học hữu cơ ở tổ chức nghiên cứu, Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) thuộc Australia, phân tích mô cá mập voi thông qua đồng vị ổn định. Kỹ thuật cho phép nhóm nghiên cứu tìm hiểu nguồn cung cấp năng lượng giúp cá mập voi sinh trưởng. Họ cũng dùng lưới thu thập phân cá mập voi để phân tích. Mẫu phân hé lộ chúng ăn nhuyễn thể nhưng không chuyển hóa nhiều loại thức ăn này.
An Khang (Theo Phys.org)
- Cá mập voi khổng lồ áp sát thuyền cần thủ