Từ quyển Trái Đất chịu ảnh hưởng của Mặt Trời. Vì Mặt Trời đang bước vào giai đoạn hoạt động mạnh trong chu kỳ 11 năm, thời tiết không gian và ánh sáng cực tím sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Bức xạ cao làm nóng khí quyển, dẫn đến mật độ của tầng khí quyển trên, nơi các vệ tinh hoạt động, tăng lên. Điều này tạo ra lực kéo và có thể làm chậm các vệ tinh đến mức khiến chúng rơi xuống Trái Đất.
Để tránh phải "chết sớm" trong khí quyển, các vệ tinh Swarm cần điều chỉnh quỹ đạo. Đây là nhóm ba vệ tinh thuộc một chương trình nghiên cứu từ trường Trái Đất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), IFL Science hôm 19/7 đưa tin.
Trong khi Bravo không gặp vấn đề gì do vốn đã hoạt động ở độ cao lớn, hai vệ tinh Alpha và Charlie phải di chuyển lên quỹ đạo cao hơn. Mục tiêu của chúng là thực hiện 25 lần điều chỉnh trong 10 tuần để tới vị trí an toàn.
Alpha cần tăng độ cao thêm 45 km. Tuy nhiên, lần điều chỉnh hôm 30/6 phải tạm ngừng do các chuyên gia nhận được cảnh báo Alpha có thể va chạm với rác vũ trụ trong 8 giờ tới. Chưa rõ mảnh rác này là gì, nhưng nguy cơ va chạm đủ cao để khiến Alpha phải né tránh.
Nhóm chuyên gia nhanh chóng bắt tay vào xử lý và sau khoảng 4 tiếng, họ đã sẵn sàng di chuyển vệ tinh để thoát khỏi vụ va chạm. Tuy nhiên, việc nâng quỹ đạo cũng cấp bách nên họ phải lên lịch cho đợt điều chỉnh mới sớm nhất có thể.
Alpha và Charlie cần duy trì khoảng cách tương đối gần nhau để mang lại những quan sát chính xác. Vì vậy, nếu chúng không bay theo các quỹ đạo tương đồng, việc nghiên cứu sẽ phải dừng lại. May mắn là nhóm phụ trách đã điều chỉnh quỹ đạo cho chúng thành công.
Có rất nhiều rác vũ trụ xung quanh Trái Đất và ESA thường phải di chuyển vệ tinh của mình hai lần mỗi năm. Số lượng cảnh báo có xu hướng ngày càng nhiều hơn, nhưng không phải mọi cảnh báo đều dẫn đến việc điều chỉnh đường bay. Mỗi lần điều chỉnh như vậy cần đảm bảo không đưa vệ tinh vào quỹ đạo thậm chí còn nguy hiểm hơn, do đó, các chuyên gia phải lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- NASA nối lại liên lạc với vệ tinh mất tích
- Vệ tinh bay trên Trái Đất 550 km quay video selfie