Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết họ phát triển một hệ thống nuôi cấy tế bào kín bằng gelatine 3D ăn được, đóng vai trò như khung giàn mở rộng cho tế bào. Sử dụng hệ thống này, họ nhận thấy sự mở rộng tế bào tăng gấp 20 lần trong 7 ngày, cao hơn nhiều so với mức tăng 10 lần trong những nghiên cứu trước đây. Nhóm tác giả nghiên cứu nuôi cấy tế bào cơ bắp và tế bào chất béo của lợn trước khi đặt chúng vào khuôn in 3D. Nhờ một enzyme hỗ trợ, họ có thể tạo ra miếng thịt viên lớn cỡ centimet.
Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp sản xuất thịt nhân tạo như vậy cho phép tái tạo sinh học các sản phẩm từ thịt xay như thịt viên và xúc xích ở quy mô lớn, giúp đổi mới thực đơn thịt trong tương lai. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Biomaterials.
Các nhà nghiên cứu thậm chí so sánh giá trị dinh dưỡng của thịt nuôi cấy với shizitou, món thịt lợn viên truyền thống của Trung Quốc. Họ nhận thấy thịt viên nuôi cấy chứa khoảng 70% protein, 4% chất béo và 6% carbohydrate cùng với những khoáng chất thiết yếu như kẽm, canxi và sắt. Trong khi đó, shizitou chỉ chứa lượng protein bằng 1/5 và lượng chất béo bằng 1/3 so với thịt nuôi cấy, dù có lượng calo thấp hơn. Do đó, thịt viên nuôi cấy có thể trở thành giải pháp dinh dưỡng thay thế sản phẩm từ thịt lợn xay.
So với sản xuất thịt kiểu truyền thống, thịt nuôi cấy đòi hỏi ít tài nguyên và ít ảnh hưởng tới môi trường hơn. Một đánh giá chu kỳ vòng đời gần đây của CE Delft, tổ chức nghiên cứu và tư vấn ở Hà Lan, phát hiện thịt nuôi cấy sử dụng ít đất hơn thịt truyền thống và thải ra lượng carbon thấp hơn nhiều.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Nông nghiệp Nam Kinh tạo ra thịt lợn nuôi cấy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2019. Một năm sau, họ tạo ra 50 g thịt nuôi cấy trong 20 ngày. Họ tổ chức một sự kiện ăn thử vào tháng 6/2020 và những người tham gia cho biết thịt nuôi cấy "có vị giống như thịt lợn thường", theo Science Daily.
"Chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp thịt nuôi cấy sẽ phát triển nhanh chóng với sự đồng bộ hóa giữa công nghệ, luật pháp, sự chấp nhận của người tiêu dùng, mang lại các sản phẩm thịt ngon miệng, lành mạnh và bền vững hơn cho người tiêu dùng trong tương lai", Ding Shijie, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
An Khang (Theo SCMP)