Kính viễn vọng không gian James Webb phóng lên quỹ đạo vào tháng 12/2021, bắt đầu hoạt động chính thức sau đó 6 tháng. Những ngày gần đây, NASA liên tục công bố những hình ảnh sâu nhất về vũ trụ được chụp bởi kính này. James Webb có nhiệm vụ đi tìm câu trả lời cho mọi thứ từ hố đen tới sự giãn nở của vũ trụ và nguồn gốc của các ngôi sao xuất hiện sớm nhất hay hành tinh có dấu hiệu của sự sống. Tuy nhiên, con đường để James Webb lên bệ phóng nhiều thăng trầm và có lúc tưởng chừng nhiệm vụ không thể hoàn thành.
Năm 2018, kính viễn vọng không gian James Webb, dự án nhằm chế tạo cỗ máy có thể nhìn ngược những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ, dường như đi sai hướng. Các bộ phận của kính viễn vọng và trang thiết bị đã hoàn chỉnh, nhưng cần lắp ráp và kiểm tra. Ngày phóng liên tục bị đẩy lùi và chi phí tiếp tục tăng lên từ 8 tỷ USD. Quốc hội Mỹ không hài lòng khi NASA đề nghị cấp thêm kinh phí.
Đó là lúc Gregory Robinson được mời đảm nhiệm chức giám đốc chương trình James Webb. Tại thời điểm đó, ông đang là phó quản trị viên các chương trình của NASA, phụ trách đánh giá hiệu quả của hơn 100 sứ mệnh khoa học. Robinson từ chối do ông rất yêu thích công việc hiện tại nhưng Thomas Zurbuchen, phó giám đốc khoa học của NASA, đã thuyết phục ông lần nữa. Cuối cùng, Robinson đồng ý. Vào tháng 3/2018, ông bắt tay vào nhiệm vụ đưa kính viễn vọng trở lại tiến độ và bay vào không gian.
Chào đời tại thành phố Danville, bang Virginia, Robinson là xếp thứ 9 trong 11 người con. Cha mẹ ông là nông dân trồng thuốc lá. Ông là người con duy nhất trong gia đình theo đuổi ngành khoa học và toán học. Một học bổng bóng đá mở đường cho ông vào Đại họcVirginia Union ở Richmond. Sau đó, ông chuyển sang Đại học Howard. Robinson có một bằng cử nhân toán học ở Đại học Virginia Union và một bằng kỹ thuật điện ở Đại học Howard. Robinson bắt đầu làm việc cho NASA vào năm 1989 sau khi một số người bạn vào làm tại đó. Trong nhiều năm, ông đã từng làm phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA ở Cleveland và phó trưởng kỹ sư.
Dự án James Webb nhận nhiều chỉ trích khi dời ngày phóng từ năm 2019 sang tháng 5/2020. Một tháng sau khi Robinson nhận chức, một thử nghiệm thất bại đã phản ánh mức độ cần sửa chữa. Tàu vũ trụ cần vượt qua rung lắc mạnh khi phóng, vì vậy các kỹ sư đã kiểm tra bằng cách lắc cỗ máy. Kết quả là ốc vít giữ tấm chắn nắng lớn của kính viễn vọng bị bung ra. Theo Robinson, chỉ riêng sự cố đó đã khiến họ thụt lùi khoảng 10 tháng so với lịch trình. Ngày phóng dời sang tháng 3/2021 và kinh phí tiếp tục tăng thêm 800 triệu USD.
Đối với ốc vít bị lỏng ra trong thử nghiệm lắc, vấn đề nằm ở chỗ bảng vẽ kỹ thuật không nêu rõ cần dùng bao nhiêu mô-men xoắn. Hội đồng đánh giá đã đưa ra báo cáo liệt kê một loạt vấn đề cùng với 32 khuyến nghị. NASA tuân theo mọi khuyến nghị trong đó, bao gồm tiến hành kiểm tra toàn bộ tàu vũ trụ để xác định những lỗi xảy ra mà không ai chú ý.
Các kỹ sư kiểm tra bản vẽ và thông số kỹ thuật. Họ xem xét yêu cầu mua hàng để đảm bảo vật tư đã đặt phù hợp thông số kỹ thuật và nhà cung cấp đưa đúng hàng. Ở phần lớn bộ phận, phần cứng khớp với thiết kế ban đầu, một vài chi tiết không phù hợp đã được sửa chữa.
Khi Robinson nhận chức giám đốc chương trình, hiệu quả lịch trình của dự án, tức tiến độ công việc so với kế hoạch, đã tăng từ 55% lên 95% chỉ sau vài tháng. Quá trình trao đổi trở nên tốt hơn và các quản lý sẵn sàng chia sẻ những tin tức xấu hơn.
Việc phóng nó tiếp tục chậm trễ do đại dịch Covid-19, vấn đề về tải trọng của vỏ bọc tên lửa Ariane 5 do châu Âu sản xuất, một dải kẹp cố định với giá phóng của kính thiên văn bị gãy... Tuy nhiên, cuối cùng chiếc kính viễn vọng đã phóng thành công vào dịp Giáng Sinh năm ngoái và hoạt động trơn tru. Robinson nói, với niềm tự hào, rằng sau tất cả bản thân đã hoàn thành công việc.
James Webb thu thập dữ liệu thông qua 4 thiết bị khoa học, bao gồm camera và quang phổ kế. Chiếc kính viễn vọng có thể nhìn ngược quá khứ 13,8 tỷ năm của vũ trụ, quan sát chu kỳ tiến hóa của các ngôi sao. Một mục tiêu khác của James Webb là đo nhiệt độ và tìm hiểu thành phần hóa học của hệ hành tinh khác, từ đó xác định những nơi đó có tồn tại sự sống hay không.
An Khang (Theo New York Times)
- Kính James Webb bắt đầu săn tìm hành tinh sống được