Theo Sina, cá thể lai quý hiếm này chào đời tại Công viên Đại dương Haichang và vừa tròn một tháng tuổi vào hôm 13/7. Mẹ của nó là một con cá heo mũi chai và cha là một con cá voi sát thủ giả, còn được gọi là cá ông chuông. Cả hai đã ghép đôi tự nhiên và việc chúng sinh sản thành công là "một niềm vui bất ngờ", các nhà chức trách tại công viên chia sẻ.
Sinh vật lai hiện dài khoảng 110 cm, lớn hơn một chút so với các con non cùng tuổi của cá heo mũi chai. Màu da sẫm của nó chủ yếu được thừa hưởng từ cá voi sát thủ giả, nhưng phần bụng màu trắng xám lại giống cá heo mẹ. Trong khi đó, đầu và mõm kết hợp các đặc điểm của cả cá voi sát thủ giả và cá heo mũi chai.
Mặc dù được gọi là cá voi sát thủ giả, sinh vật biển có vú này trên thực tế là một thành viên thuộc họ Cá heo đại dương. Các nhà khoa học cho biết chúng từng được nhìn thấy bơi cùng cá heo mũi chai trong môi trường tự nhiên, nhưng việc giao phối giữa hai loài là rất hiếm.
Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt, đã có một số trường hợp lai được ghi nhận ở cả Trung Quốc và trên thế giới. Năm 1985, một con cá voi sát thủ giả đã ghép đôi với cá heo mũi chai tại Công viên Đại Dương Hawaii của Mỹ và sinh thành công một con non có tên là Kemaru. Sinh vật này đã sống sót và có nhiều đặc điểm tương đồng với cá thể lai tại Công viên Đại dương Haichang. Một trường hợp khác cũng được ghi nhận tại Thủy cung Fushun ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, nhưng con lai đã chết ngay sau khi sinh.
Cá voi sát thủ giả là loài lớn thứ ba trong họ Cá heo đại dương khi có thể phát triển tới chiều dài 6 m và nặng 2 tấn. Trong khi đó, cá heo mũi chai dài từ 2 đến 4 m và nặng khoảng 150 đến 650 kg.
Đoàn Dương (Theo Sina/ECNS)
- Kỳ lân biển lạc loài nhập đàn cá voi trắng
- Sinh vật giống con lai giữa ba loài