Kính viễn vọng không gian James Webb đã sẵn sàng thực hiện các quan sát khoa học và hai trong những nhiệm vụ đầu tiên của nó là tìm kiếm những ngôi sao xa xôi nhất trong vũ trụ và các ngoại hành tinh có thể hỗ trợ sự sống.
Với độ nhạy gấp 100 lần kính viễn vọng Hubble, Webb có thể nghiên cứu giai đoạn sơ khai nhất của vũ trụ, ngay sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm. Các vật thể càng ở xa thì ánh sáng của chúng càng mất nhiều thời gian để đến Trái Đất. Vì vậy, việc quan sát vũ trụ sâu thẳm chính là nhìn lại quá khứ xa xôi. Đó là lý do siêu kính viễn vọng của NASA được mệnh danh là "công cụ nhìn xuyên quá khứ".
"Chúng ta sẽ nhìn lại khoảng thời gian sớm nhất để xem những thiên hà đầu tiên hình thành trong lịch sử vũ trụ", nhà thiên văn học Dan Coe từ Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian, nói với AFP.
Những ngôi sao và thiên hà đầu tiên
Đến nay, các nhà thiên văn học đã đi ngược 97% chặng đường quay trở lại vụ nổ Big Bang, nhưng chỉ nhìn thấy những đốm đỏ nhỏ bé khi quan sát các thiên hà ở rất xa. "Với Webb, chúng ta cuối cùng có thể nhìn vào bên trong các thiên hà này và xem chúng được tạo ra từ gì", Coe nói thêm.
Trong khi các thiên hà ngày nay có hình dạng giống như hình xoắn ốc hoặc hình elip, các "khối xây dựng" nên chúng rất đa dạng và khác biệt. Webb sẽ tiết lộ các ngôi sao cổ xưa trong chúng, điều không thể nhìn thấy bằng kính viễn vọng không gian Hubble.
Coe sắp tới có hai dự án với Webb: quan sát một trong những thiên hà xa nhất, MACS0647-JD, mà ông tìm thấy vào năm 2013 và ngôi sao xa nhất từng biết đến, Earendel, được phát hiện vào tháng 3 năm nay.
Trong khi công chúng bị lôi cuốn bởi những bức ảnh màu tuyệt đẹp của Webb, được chụp bằng tia hồng ngoại vì ánh sáng xa xôi đã bị kéo dài thành những bước sóng này khi vũ trụ giãn nở, các nhà khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến quang phổ.
Phân tích quang phổ của một vật thể sẽ cho thấy các đặc tính của nó, bao gồm nhiệt độ, khối lượng và thành phần hóa học. Về cơ bản, nó giống như khoa học pháp y cho thiên văn học.
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết những ngôi sao sớm nhất - có thể bắt đầu hình thành sau vụ nổ Big Bang chỉ 100 triệu năm - sẽ trông như thế nào. Chúng có thể rất khác biệt, với khối lượng lớn hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta và rất "nguyên sơ", nghĩa là chúng chỉ được tạo thành từ khí hydro và heli.
Những thiên thể cổ xưa này cuối cùng đã phát nổ trong sự kiện siêu tân tinh, góp phần làm giàu hóa học vũ trụ để tạo ra các ngôi sao và hành tinh mà chúng ta thấy ngày nay.
Những thế giới tiềm năng có thể tồn tại sự sống
Tất cả các nhà thiên văn học - bất kể họ có thành tựu như thế nào trong sự nghiệp của mình - đều có cơ hội làm việc với kính viễn vọng James Webb dựa trên quy trình lựa chọn cạnh tranh.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Olivia Lim (25 tuổi) tại Đại học Montreal của Canada, một trong những người may mắn đầu tiên được làm việc với Webb, chia sẻ rằng khi mọi người bắt đầu nói về chiếc kính thiên văn này, cô thậm chí còn chưa chào đời.
Mục tiêu của Lim là quan sát các hành tinh đá có kích thước gần bằng Trái Đất xoay quanh một ngôi sao tên là Trappist-1. Chúng gần nhau đến mức từ bề mặt của một hành tinh, bạn có thể nhìn thấy những hành tinh khác xuất hiện rõ ràng trên bầu trời.
"Hệ thống Trappist-1 là độc nhất. Hầu như tất cả các điều kiện ở đó đều thuận lợi cho việc tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời", Lim nhấn mạnh.
Ngoài ra, ba trong số 7 hành tinh của Trappist-1 nằm trong "vùng ở được" - vùng không gian bao quanh một ngôi sao có khoảng cách không quá gần cũng không quá xa ngôi sao đó, tạo điều kiện thích hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt của chúng.
Hệ thống này chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng và chúng ta có thể nhìn thấy các hành tinh chuyển tiếp phía trước ngôi sao, cho phép quan sát sự sụt giảm độ sáng khi hành tinh bay qua ngôi sao và sử dụng quang phổ để suy ra các đặc tính của hành tinh.
Các nhà thiên văn học vẫn chưa biết liệu những hành tinh này có bầu khí quyển hay không, nhưng đó là điều mà Lim muốn tìm hiểu.
Trappist-1 là một mục tiêu hấp dẫn đến mức nhiều nhà khoa học khác cũng đang nóng lòng được quan sát nó bằng kính James Webb. Sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm dấu vết của sự sống nếu nó thực sự tồn tại ở hệ thống này, "nhưng mọi thứ chúng tôi đang làm trong năm nay là những bước quan trọng để đạt được mục tiêu cuối cùng đó", Lim nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- NASA tiết lộ các mục tiêu đầu tiên của kính James Webb
- 5 điều cần biết về siêu kính viễn vọng James Webb