Trong buổi họp báo hôm 7/7 tại trường đại học, Yosuke Yamashiki, giám đốc Trung tâm vũ trụ học nhân loại SIC chia sẻ kế hoạch của họ mô tả nhiều công nghệ quan trọng giúp đảm bảo con người có thể chuyển vào không gian trong tương lai. Tuy nhiên, kế hoạch chỉ có thể trở thành hiện thực sớm nhất trong thế kỷ 22. Cốt lõi của kế hoạch là xây dựng nhà ở trọng lực nhân tạo. Nơi ở này có thể tạo ra trọng lực tương tự như trên Trái Đất bằng cách sử dụng lực ly tâm tạo bởi chuyển động xoay.
Một trong số những khu nhà ở mang tên Lunar Glasss sẽ được xây dựng trên Mặt Trăng. Khu nhà ở khác gọi là Mars Glass sẽ ra đời trên sao Hỏa. Trọng lực trên Mặt Trăng và sao Hỏa lần lượt bằng 1/6 và 1/3 so với trên Trái Đất. Các khu nhà sẽ giúp giảm bớt tác động lên sức khỏe của con người sinh sống trên Mặt Trăng hoặc sao Hỏa do trọng lực thấp gây ra.
Nhóm nghiên cứu cũng dự định tạo dựng môi trường sống hoàn thiện với những khu rừng hoặc bờ sông bằng cách mô phỏng đa dạng sinh thái ở Trái Đất. Dù quá trình xây dựng khu nhà ở quy mô lớn như vậy có thể kéo dài 100 năm theo dự kiến, các nhà nghiên cứu hướng đến tạo ra phiên bản đơn giản hóa trên Mặt Trăng vào năm 2050.
Kế hoạch cũng bao gồm chế tạo mạng lưới vận chuyển có tên gọi "Hệ thống đường ray không gian lục giác" mô phỏng tàu cao tốc thiên hà để di chuyển giữa Trái Đất, Mặt Trăng và sao Hỏa. Tàu không gian lớn như tàu viên đạn Shinkansen cũng sản sinh trọng lực nhân tạo và di chuyển như tàu chạy trên mặt đất, theo nhóm nghiên cứu.
Con tàu sẽ dừng ở các trạm đặt trên vệ tinh bay quanh Trái Đất, Mặt Trăng hoặc sao Hỏa. Động cơ tuyến tính hoặc động cơ tên lửa sẽ được sử dụng để phóng tàu khi khởi hành từ Mặt Trăng hoặc sao Hỏa. Mỗi toa tàu sẽ đặt trong khoang hình lục giác trong lúc di chuyển giữa các hành tinh để tránh tiếp xúc với tia vũ trụ.
An Khang (Theo Asahi)
- So sánh độ khó khi đưa tàu tới sao Hỏa và Mặt Trăng