Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Current Biology hôm 7/7, loài khủng long mới - được đặt tên là Meraxes gigas - đã thống trị khu vực ngày nay là vùng Patagonia của Argentina cách đây khoảng 100 triệu năm. Với chiều dài lên tới 11 m và nặng hơn 4 tấn, nó là một trong những kẻ săn mồi trên cạn lớn nhất từng tồn tại.
Meraxes gigas có một số đặc điểm cơ thể giống với khủng long bạo chúa T-rex, bao gồm một cái đầu khổng lồ và hai chi trước rất nhỏ, nhưng không có mối quan hệ họ hàng chặt chẽ.
Loài mới thuộc về một họ khủng long ăn thịt hoàn toàn khác có tên khoa học là Carcharodontosauridae và nó đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước khi T-rex xuất hiện trên Trái Đất. Điều này có nghĩa là Meraxes gigas đã tiến hóa một cách độc lập, cho thấy việc các loài săn mồi khổng lồ có hai chi trước rất nhỏ mang đến nhiều lợi thế hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
"Tôi tin rằng những cánh tay nhỏ bé đó có một số chức năng. Khủng long có thể đã sử dụng chúng để thực hiện hành vi sinh sản bằng cách ôm con cái trong khi giao phối, hoặc hỗ trợ chúng đứng dậy sau khi ngủ hoặc bị ngã", nhà cổ sinh vật học Juan Canale tại Đại học Quốc gia Río Negro ở Argentina, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Việc xác định Meraxes gigas dựa trên mẫu vật hóa thạch tương đối hoàn chỉnh được khai quật tại hệ tầng Huincul ở Argentina. Khu vực này cũng được biết đến là nơi sinh sống của nhiều loài khủng long ăn thịt nhỏ hơn, cũng như các loài động vật ăn cỏ cổ dài khác.
Khám phá mới về Meraxes gigas không chỉ mở rộng sự đa dạng của nhóm khủng long săn mồi Carcharodontosauridae mà còn giúp các nhà khoa học hiểu chính xác hơn về lịch sử tiến hóa và sinh thái học ở kỷ Phấn Trắng.
Đoàn Dương (Theo National Geographic/CNN)
- Phát hiện loài khủng long sát thủ lớn ngang T-rex
- Phát hiện loài quái vật tiền sử mới dài 10 m