Báo sư tử ở Los Angeles và báo hoa mai ở Mumbai đều sinh sản, săn mồi và duy trì lãnh thổ bên trong khu đô thị. Nghiên cứu dài hạn ở cả hai thành phố kiểm tra các loài mèo lớn di chuyển như thế nào trong thành phố và cách người dân có thể chung sống với chúng. Bài học rút ra từ nghiên cứu có thể áp dụng cho nhiều nơi khác trong những thập kỷ tới.
"Trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều thành phố như thế này do đô thị xâm lấn môi trường sống tự nhiên", nhà sinh vật học Audra Huffmeyer, người chuyên nghiên cứu báo sư tử ở Đại học California, Los Angeles, cho biết. "Nếu chúng ta muốn bảo tồn động vật ăn thịt lớn trên khắp hành tinh, chúng ta cần học cách sống chung với chúng".
Cách đây 20 năm, các nhà khoa học ở Los Angeles đặt vòng cổ theo dõi cho con báo sư tử đực đầu tiên tên P1. Lãnh thổ của P1 là dải đất rộng thuộc dãy Santa Monica Mountains, dãy núi ven biển nằm cả bên trong và liền kề thành phố. Theo Seth Riley, nhà sinh thái học ở Cơ quan Vườn quốc gia, P1 lớn như kích cỡ phổ biến ở miền nam California, nặng khoảng 68 kg. Những con báo sư tử đực nắm quyền thống trị như P1 không chấp nhận con đực trưởng thành khác trong lãnh thổ của chúng. Với thiết bị theo dõi qua GPS và bẫy camera, nhóm nghiên cứu theo dõi sự phát triển của P1 trong suốt 7 năm, qua nhiều lần ghép đôi và nhiều lứa sinh. Riley cho biết năm 2009 là lần cuối cùng họ phát hiện dấu vết của P1.
Kể từ sau đó, Riley đã tham gia đeo vòng cổ cho khoảng 100 con báo sư tử ở Los Angeles, xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ về hành vi của báo sư tử, góp phần mở rộng hiểu biết về nhu cầu lãnh thổ của chúng, chế độ ăn và tần suất chúng đụng độ con người.
Mối đe dọa lớn nhất đối với báo sư tử là giao phối cận huyết. Việc sống trong những lãnh thổ nhỏ bị phân tách bởi đường cao tốc khiến một số con báo đực ghép đôi với con gái hoặc cháu gái, dẫn tới vấn đề di truyền và cong đuôi. Dựa trên phân tích di truyền, Riley và cộng sự phát hiện P1 giao phối với con gái nó là P6, trở thành trường hợp đầu tiên được ghi nhận về giao phối cận huyết rất gần.
Ở Mumbai, một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, khoảng 50 con báo hoa mai thích nghi với không gian vốn chỉ phù hợp cho 20 cá thể. Tuy nhiên, loài mèo hoạt động về đêm này cũng tránh xuất hiện trong tầm mắt con người. Vidya Athreya, giám đốc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã ở Ấn Độ và cộng sự gần đây lắp vòng cổ theo dõi cho 5 con báo hoa mai. Phạm vi sinh sống chính của chúng tập trung quanh vườn quốc gia Sanjay Gandhi, khu vực được bảo vệ với 3 mặt giáp khu đô thị, trong đó có khu phố là nơi ở của 100.000 cư dân và gần chục con báo hoa mai.
Các nhà nghiên cứu đi tìm đáp án cho một số câu hỏi cụ thể từ ban quản lý vườn quốc gia như báo hoa mai đi qua những con đường đông xe cộ gần đó như thế nào. Để đưa ra câu trả lời, họ đeo vòng cổ cho một con báo đực lớn tên Maharaja. Họ nhận thấy nó đi lại chủ yếu vào ban đêm và di chuyển hơn 60 km trong khoảng một tuần từ vườn quốc gia ở Mumbai tới vườn quốc gia khác ở lân cận. Con báo đi qua đường cao tốc cấp bang, sử dụng cùng một điểm để sang đường trong 3 dịp. Nó cũng đi qua đường ray xe lửa. Con đường Maharaja chọn nằm gần một đường cao tốc mới và hành lang vận chuyển hàng đang xây dựng. Các nhà nghiên cứu cho biết việc nắm được hành vi sang đường của mèo lớn sẽ giúp nhà chức trách ra quyết định về địa điểm xây dựng lối đi dành cho động vật nhằm giảm thiểu tai nạn. Ở Los Angeles, nghiên cứu dài hạn về báo sư tử cho thấy tác hại của môi trường sống gián đoạn, giúp thúc đẩy thành công chiến dịch vận động xây dựng cây cầu sang đường cho động vật hoang dã bắc qua cao tốc 101 của Mỹ.
Báo hoa mai ở Mumbai thích nghi để săn chó hoang bới rác ngoài bìa rừng và hầu như chỉ tấn công con người khi bị dồn vào đường cùng hoặc đuổi đánh. Los Angeles cũng chưa từng ghi nhận ca tử vong nào do báo sư tử, ngoại trừ một vụ tấn công nhằm vào trẻ em năm 2021. Cả hai thành phố đều nhận thấy bắt, giết hoặc chuyển chỗ mèo lớn không phải là giải pháp.
An Khang (Theo Guardian)
- Báo đen quý hiếm xuất hiện trong khu bảo tồn Ấn Độ