Trong khi pin mặt trời và turbine gió đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, cả hai hệ thống đều còn nhiều hạn chế trong sản xuất điện. Công suất điện từ turbine gió phụ thuộc phần lớn vào sức gió còn tấm pin mặt trời không sản xuất điện hiệu quả trong gần nửa ngày. Ngược lại, turbine đặt dưới nước có thể sản xuất điện liên tục bất kể ngày đêm.
Trước đây, việc sử dụng turbine thủy triều thường làm gián đoạn môi trường sống của động vật thủy sinh và hệ thống thực vật. Tuy nhiên, công ty Idenergie ở Montreal đặc biệt chú ý tới vấn đề này và chọn rotor Darrieus (kiểu trục đứng) để tránh gây hại cho hệ sinh thái. Thiết bị cũng được sản xuất từ nhôm để dễ dàng tái chế.
Turbine được mang tới nơi ở trạng thái tháo rời để giảm thiểu yêu cầu vận chuyển và lắp ghép theo 7 bước đơn giản. Thiết kế turbine cũng bao gồm một motor đặc biệt giúp ngăn nước chảy vào máy phát điện, qua đó giảm bớt nhu cầu bảo dưỡng.
Ở công suất tối đa, turbine có thể sản xuất 12 kWh điện một ngày và nối với bộ pin để sạc liên tục. Ngay cả ở công suất thấp hơn, turbine của Idenergie vẫn sản xuất đủ điện để duy trì hoạt động cho các thiết bị bình thường trong gia đình như tủ lạnh, TV, máy tính và đèn. Theo công ty, mỗi turbine có thể sản xuất lượng điện tương đương 12 tấm pin mặt trời và hoạt động liên tục cả ngày. Khi cần, turbine có thể được điều chỉnh cho phù hợp với vùng nước, bao gồm lắp đặt ở chỗ nông và nơi có tốc độ dòng chảy nhỏ hơn 1 m/s.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
- Quy trình sản xuất pin mặt trời