Theo NASA, sự kiện được gọi là "ngọn lửa mặt trời" xảy ra vào lúc 20h57 ngày 19/4 theo giờ Thái Bình Dương, tức 10h57 ngày 20/4 giờ Hà Nội, gây ra sự cố mất sóng vô tuyến đối với một số phương tiện liên lạc sóng ngắn ở châu Á.
Ngọn lửa được phân loại là X2.2, trong đó X đại diện cho loại luồng sáng mạnh nhất và các con số cao hơn theo sau thể hiện sự gia tăng cường độ của vụ nổ. NASA đã ghi nhận một số vụ phun trào cấp X trong 5 năm qua nhưng không có lần nào dữ dội như vậy.
Lần gần nhất có một ngọn lửa mặt trời vượt mức X2.2 là vào tháng 9/2017, đạt cường độ X9. Con số này vẫn còn kém xa so với kỷ lục X28 từng được quan sát thấy vào năm 2003.
Vụ nổ hôm 20/4 đã giải phóng một lượng lớn plasma tích điện, thứ có thể tạo ra cực quang tuyệt đẹp nếu va chạm với từ trường của Trái Đất. Tuy nhiên, do bắn ra từ một vết đen ở rìa phía tây của Mặt Trời, những hạt tích điện đó sẽ không va vào hành tinh của chúng ta.
Mặc dù vậy, năng lượng phát ra từ ngọn lửa di chuyển với tốc độ ánh sáng và lan truyền theo mọi hướng trong toàn bộ hệ Mặt Trời, đó là lý do tại sao nó gây ra sự cố mất sóng vô tuyến.
Vụ nổ lớn là dấu hiệu mới nhất cho thấy chu kỳ năng lượng hiện tại của Mặt Trời đang nóng lên. Ngôi sao của chúng ta trải qua những khoảng thời gian thường xuyên có vết đen và bùng phát năng lượng sau mỗi thập kỷ hoặc lâu hơn.
Đoàn Dương (Theo CNET)
- Ngôi sao phóng năng lượng gấp một tỷ lần Mặt Trời
- Hai cơn bão Mặt Trời tấn công Trái Đất