Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2021 công bố sáng 21/4 cho thấy, 2021 là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, phân bổ đều giữa các quốc gia. Trong đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Mỹ. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại. Báo cáo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đồng phát hành vào ngày Đổi mới sáng tạo thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới.
Chiều cùng ngày, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo quốc gia và sở hữu trí tuệ thế giới. Tại đây Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Bởi vậy việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết.
Ông cho biết, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4). Với thông điệp "sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn", Bộ trưởng kỳ vọng ngày hội giúp nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt.
Bộ trưởng gợi mở, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây được coi là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh giúp nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng của thế hệ trẻ. "Chủ đề lần này giúp nhận ra vai trò thế hệ trẻ, tìm ra giải pháp mới và hướng chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững", ông Christian Manhart nói.
Ông Christian Manhart cũng nhắc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 44/132 quốc gia, với lượng phát minh hơn 18.500 sản phẩm, coi đây là thành tựu đáng chúc mừng. Ông cho biết trong giai đoạn 2022-2026, sẵn sàng thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam ở các lĩnh vực như năng lượng sạch, chính sách STEM, toán học, hệ thống y tế, thu hút đầu tư, hướng tới chính sách vườn ươm khởi nghiệp, triển khai thành phố thông minh...
Ông Peter Willimott, Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO tại Đông Nam Á, sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giúp tối ưu hóa kết quả tài chính mà hoạt động nghiên cứu triển khai. Ông chỉ ra các nước có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có chỉ số đổi mới sáng tạo cao.
Đưa ra khuyến nghị, ông Peter cho biết tiếp tục tiến tới xu hướng số hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngày càng rộng mở. "Sở hữu trí tuệ không đơn thuần là quyền về mặt pháp lý mà cần thành chất xúc tác thúc đẩy đầu tư, không chỉ tập trung đăng ký mà còn hướng tới thương mại hóa, coi sở hữu trí tuệ như một tài sản", ông nói.
Như Quỳnh