Mặt trăng Europa của sao Mộc từ lâu đã là một ứng viên cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, do đại dương ngầm rộng lớn của nó được cho là có chứa nước lỏng - một thành phần quan trọng của sự sống.
Có một vấn đề: siêu đại dương này ước tính nằm sâu 25 - 30 km bên dưới lớp vỏ băng giá của mặt trăng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Communications, nước có thể ở gần bề mặt của Europa hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
Phát hiện này đến một cách tình cờ khi các nhà địa vật lý nghiên cứu một tảng băng ở Greenland. "Chúng tôi đang nghiên cứu một thứ hoàn toàn khác liên quan đến biến đổi khí hậu và tác động của nó lên bề mặt Greenland thì nhìn thấy những rặng núi kép nhỏ bé", tác giả chính của nghiên cứu Dustin Schroeder, Giáo sư địa vật lý tại Đại học Stanford, cho biết.
Họ nhận ra các đỉnh băng hình chữ M ở Greenland trông như phiên bản thu nhỏ của các rặng núi đôi khổng lồ trên Europa, đặc điểm phổ biến nhất trên mặt trăng băng giá của sao Mộc. Những rặng núi đôi này lần đầu tiên được chụp ảnh bởi tàu vũ trụ Galileo của NASA vào những năm 1990, nhưng ít người biết về cách chúng được hình thành.
Các nhà khoa học đã sử dụng radar quét xuyên băng để quan sát các rặng núi của Greenland và nhận thấy chúng được hình thành khi các túi nước ở dưới bề mặt bị đóng băng và đứt gãy.
"Điều này đặc biệt thú vị, bởi các nhà khoa học đã nghiên cứu các rặng núi đôi trên Europa trong hơn 20 năm mà vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác về cách chúng hình thành. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy điều gì đó tương tự xảy ra trên Trái Đất và thực sự quan sát các quá trình dưới bề mặt dẫn đến sự hình thành của các rặng núi", đồng tác giả của nghiên cứu Riley Culberg tại Đại học Stanford nói với AFP.
Nếu các rặng núi đôi của Europa cũng hình thành theo cách này, điều đó cho thấy những túi nước nông hẳn đã từng hoặc vẫn cực kỳ phổ biến trên mặt trăng của sao Mộc.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, các túi nước của Europa có thể bị chôn vùi 5 km bên dưới lớp vỏ băng của mặt trăng. Độ sâu đó sẽ dễ dàng tiếp cận hơn nhiều so với siêu đại dương ngầm.
"Đặc biệt, nếu những túi nước như vậy hình thành do nước đại dương bị ép lên qua các vết nứt vào vỏ băng, thì có thể chúng sẽ lưu giữ bằng chứng về bất kỳ sự sống nào trong đại dương đó", Culberg cho biết thêm.
Schroeder tin rằng nước ở gần bề mặt hơn sẽ chứa các chất hóa học thú vị hơn, làm tăng khả năng tồn tại sự sống.
Chúng ta có lẽ không phải chờ đợi lâu để tìm hiểu thêm về phát hiện này. Sứ mệnh Europa Clipper của NASA, dự kiến khởi động vào năm 2024, sẽ có thiết bị radar quét xuyên băng tương tự như thiết bị được sử dụng để nghiên cứu các rặng núi đôi của Greenland.
Tàu vũ trụ khó có thể tìm thấy bằng chứng xác thực về sự sống vì nó sẽ không hạ cánh xuống Europa, thay vào đó chỉ bay ngang qua và phân tích, nhưng nó vẫn mang đến nhiều hy vọng.
"Nếu có sự sống ở Europa, nó gần như độc lập hoàn toàn với nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất. Điều đó có nghĩa là nguồn gốc của sự sống phải khá dễ dàng trên khắp dải Ngân Hà và xa hơn nữa", nhà khoa học Robert Pappalardo thuộc dự án Europa Clipper nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Sao Mộc có thể biến sao Kim thành vùng đất chết
- Ảnh chụp mặt trăng khổng lồ đổ bóng lên sao Mộc