Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) nói tại buổi làm việc với UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, sáng 19/4. Theo ông Thi, khi hoạt động doanh nghiệp này sẽ hình thành trung tâm dữ liệu đạt chuẩn cao nhất tại Việt Nam. Điều này thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Amazone... sử dụng các dịch vụ dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay tiềm lực các doanh nghiệp trong nước chưa thể cung cấp các dịch vụ dữ liệu ở tiêu chuẩn cao.
Ông Thi cho biết, giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp được cấp vào đầu năm nay và tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án. " Việc Tập đoàn NTT đầu tư vào thành phố giúp SHTP đạt 43% kế hoạch thu hút vốn FDI năm 2022", ông Thi nói.
Theo lãnh đạo SHTP, dự kiến trong tháng 5 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để tăng dần thu hút doanh nghiệp vào khu công nghệ cao. Từ đầu năm, Ban quản lý đã rà soát quỹ đất còn lại trong Khu công nghệ cao để thực hiện hoạt động xúc tiến.
Theo kế hoạch, trong năm nay SHTP dự kiến thu hút 320 triệu USD vốn đầu tư, trong đó vốn của FDI là 130 triệu USD, doanh nghiệp trong nước 190 triệu USD. Giá trị sản xuất năm nay dự kiến đạt 14 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với 2021, tăng 18%. Sau 20 năm hoạt động, lãnh đạo SHTP đặt mục tiêu tái cấu trúc, mở rộng công viên khoa học và có đánh giá định lượng, đặt mục tiêu chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau 20 năm hoạt động, SHTP là mô hình phát huy hiệu quả, được nhân rộng ở nhiều địa phương cả nước. Từ mô hình đầu tiên, sau này được luật hóa trong hoạt động của công nghệ cao tác động tích cực đến kinh tế xã hội của TP HCM và cả nước. Ông Hoan đề nghị, lãnh đạo SHTP tập trung đánh giá kết quả thực hiện 20 năm qua để hoạch định chiến lược phát triển trong 10 - 15 năm tới.
Ông Hoan cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp trong SHTP cần có những chuyển đổi, đạt được mức độ cao hơn chứ không chỉ mãi sử dụng những công nghệ cũ, cách làm cũ. "Các công nghệ cao phải được đưa ra khỏi khuôn viên Khu công nghệ cao để gắn với viện viện trường, các doanh nghiệp khác để hoạt động ứng dụng công nghệ cao đóng góp cho kinh tế xã hội nhiều hơn", ông Hoan nói.
Việt Nam hiện có 4 khu công nghệ cao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao TP HCM, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghệ sinh học Đồng Nai. Hiện, TP Cần Thơ và tỉnh Hà Nam có đề án xin thành lập khu công nghệ cao và đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Mô hình khu công nghệ cao được cho tạo môi trường thu hút đầu tư doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ươm tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực... phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.
Hà An