Phi hành đoàn của tàu Thần Châu 14 sẽ trải qua 6 tháng trên trạm Thiên Cung để lắp đặt thêm 2 module, theo Hao Chun, giám đốc Cơ quan kỹ thuật vũ trụ có người lái Trung Quốc. Chương trình vũ trụ của nước này đưa phi hành gia đầu tiên lên quỹ đạo năm 2003, hạ cánh robot thăm dò trên Mặt Trăng năm 2013 và bay đến sao Hỏa năm ngoái. Các nhà chức trách đang thảo luận khả năng phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt Trăng.
Module lõi Thiên Hà của trạm Thiên Cung phóng vào tháng 4/2021. Theo kế hoạch, công tác xây dựng trạm sẽ hoàn tất vào năm nay. Module Vấn Thiên sẽ phóng vào tháng 7, theo sau là module Mộng Thiên vào tháng 10. Gần cuối nhiệm vụ Thần Châu 14, 3 phi hành gia khác sẽ được đưa lên trạm trên tàu Thần Châu 15 và ở lại 6 tháng. Hai phi hành đoàn sẽ ở cùng nhau 3 - 5 ngày, đánh dấu lần đầu tiên trạm Thiên Cung chứa 6 người.
Hôm 16/4, phi hành đoàn Thần Châu 13 hạ cánh trên sa mạc Gobi ở khu Nội Mông phía bắc Trung Quốc. Trong suốt nhiệm vụ, phi hành gia Wang Yaping trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Wang, chỉ huy Zhai Zhigang và đồng nghiệp Ye Guangfu cũng thực hiện các bài giảng vật lý cho học sinh trung học.
Trung Quốc là nước thứ ba đưa phi hành gia vào không gian sau Liên Xô và Mỹ. Thiên Cung là trạm vũ trụ thứ 3 của Trung Quốc sau hai bản tiền nhiệm phóng năm 2011 và 2016.
An Khang (Theo Phys.org)
- Phi hành gia Trung Quốc đi bộ không gian ngoài trạm Thiên Cung