Năm ngoái, Yakei, một con khỉ cái Nhật Bản 9 tuổi, đánh bại vài con khỉ khác, bao gồm mẹ ruột của nó, để trở thành khỉ đầu đàn. Điều đó biến Yakei thành khỉ cái thủ lĩnh đầu tiên trong lịch sử khu bảo tồn tự nhiên Takasakiyama ở miền nam Nhật Bản Japan. Khu bảo tồn được thành lập vào năm 1952 và là nơi ở của hơn 1.000 con khỉ.
Tuy nhiên, trong suốt mùa sinh sản đầu tiên ở vị trí nữ hoàng, bắt đầu vào tháng 11/2021 và kết thúc vào tháng 3/2022, một "mối tình tay ba" đe dọa làm lung lay quyền lực của nó. Theo cán bộ ở khu bảo tồn, con khỉ đực 15 tuổi tên Goro mà Yakei tỏ ra hứng thú ghép đôi, từ chối nó dù chúng từng bắt cặp trong mùa giao phối trước đó. Cùng lúc, một con khỉ đực 18 tuổi tên Luffy tìm mọi cách để quyến rũ Yakei bất chấp đối phương tỏ vẻ khó chịu.
Khỉ Nhật Bản có nhiều bạn tình và các nhà khoa học lo ngại Yakei không thể duy trì địa vị trong lúc theo đuổi và từ chối những bạn tình tiềm năng. Căng thẳng leo thang trong suốt mùa sinh sản và thách thức từ một con khỉ đực bị từ chối có thể dễ dàng khiến Yakei bị tiếm ngôi. Yakei leo lên vị trí hiện nay bằng cách đánh bại khỉ đực đầu đàn, nhưng con khỉ đó đã già và không đáng gờm bằng khỉ đực trẻ tuổi.
Tuy nhiên, Yakei gặp may khi không có con khỉ nào khác tìm cách lật đổ nó trong mùa giao phối năm nay và nó vẫn là khỉ đầu đàn vào cuối tháng 3/2022, theo ban quản lý khu bảo tồn. Việc Yakei tiếp tục thống trị gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu và cung cấp cho họ cơ hội để quan sát cách xã hội loài khỉ hoạt động dưới chế độ mẫu hệ. Dù phải duy trì quyền lực, Yakei vẫn ghép đôi thành công. Sau khi bị Goro từ chối, nó dành nhiều tuần tán tỉnh, bày tỏ hứng thú với ít nhất 5 con khỉ đực khác. Trong số đó có Chris, một con khỉ đực xếp ở vị trí thứ 10 trong đàn và Shikao xếp sau Chris. Nhưng con khỉ đực duy nhất mà nó giao phối là Maruo.
Xếp ở vị trí thứ 15 trong đàn, địa vị của Maruo không cao lắm. Dù vậy, các cán bộ bảo tồn cho biết nó rất điềm tĩnh và cư xử tốt với khỉ non. Là một bà mẹ, tính cách này có thể quan trọng đối với Yakei. Vào mùa hè năm 2019, nó đẻ những cặp song sinh, điều rất hiếm gặp ở khỉ Nhật Bản. Một trong những con non của Yakei mất tích và được cho là đã chết, nhưng nó vẫn tiếp tục chăm sóc số khỉ non còn lại. Dù khi trưởng thành, Yakei chiến đấu với chính mẹ ruột để đoạt vị trí thủ lĩnh, nó vẫn "rộng lượng và cư xử tốt với con non", theo Tadatoshi Shimomura, hướng dẫn viên trong 30 năm qua ở khu bảo tồn. Thay đổi duy nhất trong mùa sinh sản vừa qua là con khỉ nắm giữ vị trí số 3 mất tích và tất cả thành viên xếp dưới nó đều tiến thêm một bậc.
"Là khỉ cái, về mặt thể chất, Yakei yếu hơn nhiều so với những con khủ đực khác, vì vậy nó dễ dàng bị chúng tấn công và đánh bại", Yu Kaigaishi, nghiên cứu sinh ở Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản, cho biết. "Tôi đoán Yakei có nhiều đồng minh sau khi trở thành thủ lĩnh, giúp ổn định vị trí của nó".
Kaigaishi, người chuyên nghiên cứu hành vi của khỉ Nhật Bản, tin chắc khả năng duy trì vị trí số 1 của Yakei là bằng chứng cho thấy sức mạnh không phải là tất cả trong xã hội của loài vật này. Chiến thắng của Yakei chứng tỏ vẫn còn nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu về đời sống xã hội của những loài linh trưởng.
An Khang (Theo New York Times)
- Nữ hoàng khỉ tuyết có thể bị bạn tình tiếm ngôi