Che giấu vật thể khỏi các radar quân sự tiên tiến rất khó khăn bởi những hệ thống này có thể phát hiện vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng mà camera thường không thể quan sát và nhận biết vật thể chỉ lớn cỡ hộp giày từ không gian. Khác với vệ tinh kính viễn vọng chỉ hoạt động vào ban ngày, vệ tinh radar cũng có thể cung cấp ảnh chụp rõ nét vào ban đêm. Thiết bị mới do nhóm nghiên cứu ở Đại học Kỹ thuật Không quân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, là loại vải có thể kéo giãn để che vừa nhiều vật thể khác nhau như xe tăng, pháo hoặc trạm radar. Chính độ linh hoạt khác thường này có thể khiến vật thể gần như vô hình ngay cả với vệ tinh radar, theo trưởng nhóm nghiên cứu và cộng sự.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Infrared and Millimetre Waves tháng trước, nhóm nghiên cứu cho biết một mục tiêu phủ áo tàng hình trông sẽ giống mảnh đất trống. Công nghệ hiện nay có thể che giấu máy bay tàng hình và các máy bay khác trước radar, nhưng không hiệu quả trên mặt đất do tín hiệu radar bật trở lại sau khi tiếp xúc với mặt đất. Điều này có nghĩa những vật thể như xe tăng phủ vật liệu liệu sử dụng trên máy bay tàng hình (vật liệu hấp thụ tín hiệu radar hoặc sử dụng cấu trúc hình học để làm chệch sóng vô tuyến) sẽ trở nên nổi bật bởi chúng tạo thành khối tương phản mất tự nhiên với khung cảnh xung quanh.
Tuy nhiên, Xu và cộng sự tìm ra một phương pháp khác là thay đổi mô hình tín hiệu để mô phỏng tín hiệu tạo bởi cảnh quan tự nhiên. Loại áo tàng hình mới do họ phát triển gồm vài lớp. Ở trên cùng là lớp vải mỏng có nhiều bảng mạch in có thể tác động tới sóng điện từ. Nhóm của Xu sử dụng công nghệ in 3D độc đáo có thể tạo hình bảng mạch trên tấm vải mềm mỏng ngang sợi tóc với độ chính xác cực cao. Nhóm nghiên cứu sau đó thêm vào nhiều lớp, bao gồm nhựa và kim loại mỏng, để tạo ra "bề mặt meta", giúp thay đổi hướng của tín hiệu truyền ngược trở lại, bắt chước tín hiệu radar của mặt đất bằng.
Theo Xu, nhiều siêu vật liệu đã được phát triển để đánh lừa vệ tinh radar, nhưng không có vật liệu nào có thể dịch chuyển tự do và trải rộng như loại áo tàng hình mới. Khi sóng radar tiếp xúc với vật thể không bằng phẳng, chúng bật ngược lại theo nhiều hướng khác nhau, cho phép máy tính tính toán kích thước và hình dáng vật thể bằng cách đo khác biệt trong tín hiệu. Nhưng khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm hiệu suất của sản phẩm ở cơ sở mô phỏng, sóng truyền tới áo choàng truyền trở lại theo mô hình đồng nhất tương tự tín hiệu từ mặt đất bằng. Khoảng cách từ radar đến mục tiêu càng lớn, chênh lệch phát hiện được càng nhỏ.
Nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ cũng có thể đối phó với tình huống vệ tinh radar thay đổi độ mạnh và góc chiếu của chùm tín hiệu để tìm hiểu thêm nhiều chi tiết về mục tiêu. Tuy nhiên, thiết kế của Xu và cộng sự không thể hoạt động độc lập mà phải kết hợp với các phương pháp khác như giảm nhiệt lượng và ngụy trang quang học để đạt hiệu quả mong muốn.
An Khang (Theo SCMP)
- Tấm chắn khiến vật thể tàng hình