Nghiên cứu của TS Trần Tiến Anh (35 tuổi), Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, vừa được đề cử xét Giải trẻ - giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022.
Với nghiên cứu này, lần đầu tiên nhà khoa học xác định yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là lượng hàng hóa chở trên tàu để tìm giải pháp tối ưu quản lý hiệu quả nhiên liệu sử dụng thực tế.Việc tính toán lượng nhiên liệu giúp chủ tàu, công ty quản lý tàu biển, thuyền trưởng, máy trưởng... quản lý, khai thác hiệu quả việc sử dụng năng lượng tiêu thụ khi lượng hàng hóa thay đổi mỗi chuyến đi.
Công trình được đánh giá không chỉ đóng góp cho khoa học ngành hàng hải mà còn có tính ứng dụng thực tế cao trong khai thác và quản lý năng lượng trên tàu của các công ty vận tải biển trong nước và quốc tế.
TS Trần Tiến Anh cho biết, thực tế đã có những đội tàu xảy ra thiếu nhiên liệu (khi gặp bão) hoặc thừa nhiên liệu do khai thác trang thiết bị hiệu quả trên tàu. Nghiên cứu này xác định lượng tiêu thụ nhiên liệu cùng yếu tố ảnh hưởng tới như mực nước biển, hướng và vận tốc gió, sức cản nước, cấp độ sóng biển, tốc độ tàu cùng điều kiện thời tiết - yếu tố ảnh hưởng đến lượng nhiên liệu tiêu thụ và quá trình khai thác. Cùng với phương pháp phân cụm mờ, nghiên cứu giúp đưa ra tải trọng tối ưu của tàu và mức tiêu thụ dầu nhiên liệu của động cơ diesel chính.
Điểm đặc biệt là công trình đề cập, điều tra yếu tố ảnh hưởng lớn nhất (lượng hàng hóa chở trên tàu) tới lượng nhiên liệu tiêu thụ cho đội tàu hoạt động trên vùng biển quốc tế. Điều mà trước đó chưa có nghiên cứu rõ nét và giải quyết triệt để.
Theo TS Tiến Anh, đặc thù của con tàu hành trình trên biển là chạy khắp thế giới từ cảng quốc tế này đến cảng nước khác trong thời gian dài. Song thực tế việc tính và xác định yếu tố ảnh hưởng tới tàu khi chạy trên tuyến vận tải quốc tế rất khó vì các yếu tố thường biến đổi. Nếu không tính toán đúng lượng nhiên liệu sẽ ảnh hưởng đến lộ trình của tàu, chưa kể việc chậm tới cảng cũng sẽ phát sinh thêm chi phí khai thác của chủ tàu.
"Chi phí nhiên liệu luôn cao nhất, chiếm phần lớn chi phí vận tải hiện nay", TS Tiến Anh cho hay.
Anh nói thêm, việc quản lý nhiên liệu tốt cũng giúp đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt luật pháp quốc tế của tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) quy định về nhiên liệu và phát thải khí xả độc hại ra ngoài môi trường. Quản lý nhiên liệu hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu phát thải khí xả độc hại từ khai thác tàu ra ngoài môi trường. Đây là vấn đề được quan tâm hiện nay trên thế giới trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ.
Ý tưởng nghiên cứu xuất phát khi Trần Tiến Anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc. Tháng 6/2018, anh về nước, mang theo những góp ý từ hội đồng gồm các giáo sư, chuyên gia trong lĩnh vực tại trường, bắt tay vào nghiên cứu. Sau 3 năm thực hiện, công trình được đăng trên Ocean Engineering - tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực Hàng hải và công trình ngoài khơi.
Hiện TS Tiến Anh là giảng viên tại Đại học Hàng Hải, theo đuổi hướng nghiên cứu khai thác, bảo trì tàu thủy. Hiện anh đã nộp hồ sơ xin quỹ Nafosted tài trợ dự án thực hiện kiểm soát và tìm ra phương pháp hạn chế việc phát thải khí xả từ tàu trong quá trình khai thác động cơ diesel và chờ xét duyệt từ hội đồng quỹ. "Tôi sẽ tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu cả trong và ngoài nước vì tính chất ngành hàng hải mang tính quốc tế nên rất cần sự mở rộng và trao đổi", anh nói.
Độc giả quan tâm có thể xem công trình tại đây.
Như Quỳnh