Cuộc chiến giữa hai con vật xảy ra cách đây hơn 66 triệu năm nhưng gần đây, các nhà khoa học mới xác định được kẻ tấn công Big John là một con khủng long 3 sừng, theo nghiên cứu công bố hôm 7/4 trên tạp chí Scientific Reports. "Vị trí, hình dáng và kích thước cho thấy tổn thương gây ra bởi sừng của một con khủng long 3 sừng cùng kích cỡ", trưởng nhóm nghiên cứu Ruggero D'Anastasio, giáo sư nhân chủng học sinh vật ở Đại học G. d'Annunzio tại Chieti-Pescara, Italy, cho biết.
Đúng như tên gọi, Big John là một con khủng long đồ sộ. Nó dài 8 m với hộp sọ rộng 2 m. Bộ xương được phát hiện ở thành hệ Hell Creek tại Nam Dakota vào năm 2014, hoàn chỉnh khoảng 60%. Hóa thạch được bán với giá khoảng 7,2 triệu USD tại một nhà đấu giá ở Paris.
Trước khi đấu giá, Big John được đưa tới Italy, nơi nhà nghiên cứu Flavio Bacchia ở công ty phục dựng hóa thạch Zoic chuẩn bị mẫu vật. Bacchia nhận thấy vết thủng ở bên phải diềm của Big John và liên lạc với nhà khoa học ở các đại học tại Italy để nhờ họ phân tích tổn thương.
Vết thương dài 20 cm và rộng 5 cm, dài hơn bàn tay người, theo D'Anastasio. Nhiều khả năng đó không phải là kết quả của đòn tấn công trực diện. Va chạm có thể đến từ phía sau dựa theo vị trí của tổn thương và hình dạng của lỗ khóa. Nhóm nghiên cứu kiểm tra giả thuyết này trong phòng thí nghiệm, mô phỏng tác động với một bản sao sừng khủng long 3 sừng và kết quả giúp họ xác nhận chắc chắn.
Tuy nhiên, vết thương không giết chết Big John ngay lập tức. Nó sống sót sau tổn thương. Có dấu hiệu rõ ràng của quá trình lành xương, dù Big John chết trước khi xương lành hoàn toàn. Phân tích xương lành ở quanh tổn thương so với tốc độ lành vết thương ở những loài bọ sát ngày nay, các nhà nghiên cứu nhận định Big John bị đâm trước khi chết. Có thể con vật chết vài tháng sau đó do nhiễm trùng từ vết thương, D'Anastasio suy đoán.
Big John là khủng long có sừng duy nhất có lỗ thủng ở hộp sọ. Theo Spencer Lucas, quản lý cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New Mexico tại Albuquerque, có thể khủng long 3 sừng sống theo đàn.
An Khang (Theo Live Science)
- Hóa thạch hoàn chỉnh 150 triệu năm của ngư long