Các nhà cổ sinh vật học từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Oslo gần đây đã nghiên cứu phần còn lại của một con thằn lằn cá, hay ngư long (Ichthyosauria), được khai quật ở khu vực Solnhofen, miền nam nước Đức, để tìm hiểu xem tại sao bộ xương của nó được bảo quản tốt như vậy dù có niên đại cách đây tới 150 triệu năm.
Ichthyosauria là một bộ bò sát biển khổng lồ có hình dạng gần giống cá heo và cá voi hiện đại. Chúng có thể phát triển tới chiều dài hơn 16 m và sống ở các vùng nước sâu. Hóa thạch hoàn chỉnh được phát hiện ở Solnhofen gây bất ngờ cho các nhà khoa học vì khu vực này là một đầm phá tương đối nông với nhiều đảo vào cuối kỷ Jura.
"Chúng tôi không biết tại sao mẫu vật này lại vào đầm phá, nhưng có thể đó là lý do khiến nó chết", Tiến sĩ Lene Liebe Delsett từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, người đứng đầu nghiên cứu, phỏng đoán. "Hóa thạch nguyên vẹn của sinh vật làm cho dự án này trở nên độc đáo vì nó kể một câu chuyện hoàn chỉnh".
Các nhà nghiên cứu tin rằng mẫu vật ở Solnhofen đã rơi xuống đáy biển ở tư thế ngửa bụng trong hoặc sau khi chết và nhanh chóng được bao phủ bởi một lớp trầm tích mịn.
Delsett cùng các cộng sự đã lấy mẫu mô mềm vẫn còn được lưu giữ trong hóa thạch, sau đó xem xét nó qua kính hiển vi điện tử quét và tinh thể học tia X, trong khi xương được quét bằng ánh sáng tia cực tím.
Kết quả cho thấy phốt phát trong mô của ngư long có thể góp phần vào việc bảo quản da và mô liên kết của nó. Tuy nhiên, phần vật chất chính bao quanh và bảo vệ xương là lớp mỡ dày dưới da, còn được gọi là blubber, giống các loài động vật biển có vú hiện nay như hải cẩu và cá voi.
"Các nghiên cứu trước đây đã phỏng đoán rằng Ichthyosauria có thể có lớp mỡ dày dưới da và khám phá mới của chúng tôi đã xác nhận điều này. Ngoài hình dạng cơ thể, blubber là điểm tương đồng mạnh mẽ giữa ngư long và cá voi", Delsett nói thêm.
Đoàn Dương (Theo SciTech Daily/Mail)
- Hóa thạch ngư long mang thai 246 triệu năm tuổi
- Phát hiện loài ngư long 'nửa hải cẩu nửa nòng nọc'