Vi nhựa hiện diện ở rất nhiều nơi trên Trái Đất, từ ngọn núi cao nhất đến những vực sâu dưới đáy đại dương. Những mảnh vụn tí hon này cũng tồn tại trong nước uống, các loại gia vị dùng cho thức ăn, không khí, thậm chí máu người. Nghiên cứu mới trên tạp chí Science of the Total Environment lần đầu tiên phát hiện ô nhiễm vi nhựa sâu trong mô phổi của người sống, IFL Science hôm 6/4 đưa tin.
"Vi nhựa từng được tìm thấy trong các mẫu khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu rõ ràng đầu tiên cho thấy vi nhựa hiện diện trong phổi người sống", Laura Sadofsky, tác giả chính của nghiên cứu, giảng viên cấp cao tại khoa hô hấp thuộc Trường Y Hull York (Anh), cho biết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng mẫu mô phổi từ các bệnh nhân đang trải qua những cuộc phẫu thuật như một phần trong quá trình chăm sóc y tế thông thường. Các bác sĩ tại bệnh viện Castle Hill, Đông Yorkshire, đảm bảo gửi cho nhóm nghiên cứu mẫu khỏe mạnh thay vì những mẫu mà bệnh nhân cần phẫu thuật loại bỏ.
Trong 13 mẫu phổi, có tới 11 mẫu chứa vi nhựa. Trong số đó, những loại phổ biến nhất là PET (dùng làm chai nước uống), polypropylene (dùng làm ống và bao bì nhựa), nhựa resin (thường dùng làm chất kết dính hoặc chất bịt, trám).
"Chúng tôi không ngờ sẽ tìm thấy lượng hạt nhiều nhất ở những phần thấp hơn của phổi và cũng không nghĩ lại thấy những hạt với kích thước như vậy. Thật ngạc nhiên vì đường khí ở những phần dưới của phổi nhỏ hơn và chúng tôi từng cho rằng các hạt với kích thước này sẽ được lọc hoặc giữ lại trước khi xuống sâu tới vậy", Sadofsky nói.
Điều thú vị là những mẫu hiếm hoi thoát khỏi sự xâm nhập của vi nhựa thuộc về người hiến tặng nữ. Nhóm nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể là đàn ông có phổi lớn hơn, đo đó đường khí cũng lớn hơn. Tuy nhiên, vì nghiên cứu có quy mô nhỏ nên các chuyên gia cần tìm hiểu thêm trước khi kết luận chắc chắn.
Con người tiếp xúc với vi nhựa gần như mỗi ngày, nhưng giới khoa học vẫn chưa hiểu hết ảnh hưởng của việc tiếp xúc liên tục này. Với nghiên cứu mới, Sadofsky cùng đồng nghiệp không chỉ đưa ra một "bản cáo trạng" đáng lo ngại về mức độ phổ biến của ô nhiễm vi nhựa mà còn tiến một bước quan trọng để tìm ra ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa với thế giới.
"Dữ liệu này mang đến một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm không khí, vi nhựa và sức khỏe con người. Việc mô tả đặc tính của các loại vi nhựa mà chúng tôi tìm thấy cũng như hàm lượng của chúng có thể cung cấp thông tin thực tế cho những thí nghiệm với mục tiêu xác định rõ ảnh hưởng đến sức khỏe con người", Sadofsky nói.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- Con người đang tiêu thụ 5 gram hạt nhựa mỗi tuần
- Gạch làm từ rác thải nhựa