Nhóm học sinh gồm Trần Quỳnh Anh (15 tuổi, TP HCM), Bùi Tú Uyên (17 tuổi, Hà Nội) và Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi, Hà Nội) đã đoạt Giải thưởng Trái Đất (Earth Prize 2022), thông tin từ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam. Nhóm học sinh của Việt Nam đã vượt qua 650 đội thi thuộc 516 trường học đến từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Chúng em rất bất ngờ khi được xướng tên là nhóm thắng cuộc và cũng rất vui bởi sau 6 tháng nỗ lực đã được đền đáp", thành viên Bùi Tú Uyên (THPT chuyên Hanoi Amsterdam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chia sẻ với VnExpress.
Tú Uyên kể, hồi tháng 9/2021 những lời kêu gọi cộng đồng, xã hội tham gia "giải cứu nông sản" với các điểm bán thanh long rẻ tràn khắp các thành phố lớn như Hà Nội khiến các cô gái thế hệ GenZ chú ý. Nhận thấy loại nông sản này có thể sử dụng như một chất liệu dễ phân hủy, Quỳnh Anh (Dorothy), Uyên và Huyền đã nghĩ đến dự án sản xuất băng vệ sinh thân thiện với môi trường - điều gần như chưa xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Ý tưởng này đã gieo mầm cho dự án vừa nhận tiền thưởng 100.000 USD của họ.
Ban đầu nhóm nghĩ về việc làm sản phẩm như tã trẻ em, sau lại quyết định làm băng vệ sinh thân thiện với môi trường, đồ dùng thân thuộc với phái nữ. Đây không phải hướng mới nhưng cách tiếp cận của nhóm hoàn toàn khác biệt đó là sử dụng thanh long - loại quả được trồng và bán rộng rãi ở Việt Nam.
"Chúng em đã tìm hiểu về nhiều loại nguyên liệu như tre, vỏ chuối, song khá ngạc nhiên khi chưa có nhiều quan tâm và khai thác về tính chất lý hóa của thanh long", Uyên nói. Cô thêm rằng đây là nguyên liệu tiềm năng giúp giải quyết vấn đề nông sản và tận dụng chính rác thải nông nghiệp, đồ thừa bỏ đi.
Là người phụ trách chính kỹ thuật, Uyên cho biết nhóm tận dụng fiber và pectin có trong vỏ thanh long để tạo sản phẩm với khả năng thấm hút tốt. Cụ thể fiber dùng trong lớp chính thấm hút và pectin làm màng sinh học bọc lớp ngoài chống tràn. Nhóm nữ sinh cùng nhau phân tích tính chất lý hóa của thanh long, chiết sợi fiber để kiểm nghiệm cũng như làm sản phẩm mẫu thô.
Tú Uyên cho hay, việc nghiên cứu và tìm hiểu về cách xử lý nguyên liệu rồi tạo ra sản phẩm là phần khó nhất. "Vì là nguyên liệu mới nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để tối ưu hóa tính chất của vật liệu", cô nói.
Suốt quá trình xây dựng ý tưởng cả 3 nữ sinh chưa từng gặp mặt trực tiếp do Covid-19, vị trí địa lý và lịch trình học. Nhóm giữ liên lạc qua mạng xã hội và làm việc trực tuyến mỗi khi cần thảo luận. Trần Quỳnh Anh (trường International School Ho Chi Minh City), thành viên nhóm, kể họ gặp nhau tại một lớp học thêm và phát hiện có chung niềm đam mê với các vấn đề môi trường. Họ đặt tên nhóm là "Adorbsies", có nghĩa là những thứ dễ thương.
Quỳnh Anh giải thích, mọi người khi nhắc tới bảo vệ môi trường thường nghĩ tới những phát minh vĩ đại hoặc những điều ai cũng biết nhưng không ai làm là trồng nhiều cây. "Chúng em muốn chứng minh những sản phẩm bé dễ thương cũng có thể làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của nhiều người và mang tính ảnh hưởng cao", cô nói.
Lương Anh Khánh Huyền (trường Concordia International School Hanoi) nói, hiện chưa có nhiều hãng cung cấp loại sản phẩm băng vệ sinh thân thiện với môi trường, nhất là dòng tái chế. Bởi vậy nhóm chưa có nhiều thông tin về thị trường khiến việc đánh giá tiềm năng tiêu thụ sản phẩm và tầm ảnh hưởng khá khó.
Dù vậy, nhóm dự định sản xuất thử băng vệ sinh thân thiện này. Bên cạnh đó họ mong muốn trích tiền thưởng nhận được để thực hiện dự án hướng dẫn khuyến khích phụ nữ, các em gái dân tộc thiểu số dùng băng vệ sinh và vệ sinh thân thể để tránh bệnh phụ khoa. "Chúng em muốn thử sức bản thân và thực hiện một dự án cộng đồng có ý nghĩa để sử dụng thật tốt số tiền chúng em may mắn nhận được", Huyền nói.
Đây là năm đầu tiên Giải thưởng Trái Đất được Earth Foundation, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, thực hiện. Cuộc thi dành cho học sinh từ 13 đến 19 tuổi trên toàn cầu với tổng giá trị giải thưởng trị giá 200.000 USD. Giải nhất trị giá 100.000 USD sẽ trao cho đội có dự án có tiềm năng nhất trong giải quyết các vấn đề môi trường. Ba đội giải nhì sẽ được nhận 25.000 USD và 25.000 USD còn lại sẽ được trao cho một Cố vấn và một Nhà giáo dục.
Như Quỳnh