Kỹ sư cơ khí Daniel Gant, nhà sáng lập công ty Ascend Dynamics, LLC ở Poplar, Wisconsin, mất 1,5 năm để phát triển thiết bị phản lực điện. Nguyên mẫu đầu tiên mang tên Skypak V1 được thiết kế để đeo trên lưng với bộ khung nhôm hàn với 3 cánh nhô ra ở mỗi phía. Ở cuối mỗi cánh là cặp động cơ đẩy bằng gỗ. 12 motor 7 kW cung cấp công suất cực đại 84 kW (112 mã lực) cho bộ khung phản lực 36 kg.
Theo Gant, với bộ pin lithium - polymer 50 Vm 1,82 kWh hiện nay, thiết bị có thể bay trong 2 phút. Gant đang dự định kêu gọi thêm vốn đầu tư để chế tạo nguyên mẫu thế hệ thứ hai nhằm thử nghiệm bay có người lái. Nguyên mẫu mang tên Skypak V2 sắp tới sẽ sử dụng cánh quạt lớn hơn nằm trong khung bảo vệ, giúp bảo đảm an toàn cho phi công. Do đó, trọng lượng của bộ khung cũng tăng lên 45 kg và có thể chở phi công nặng 90 kg theo chặng ngắn dài 2 phút.
Nếu thử nghiệm có người lái diễn ra thuận lợi, Gant sẽ đưa sản phẩm ra thị trường. Bộ khung nhôm sẽ được thay thế bằng sợi carbon, tăng thêm công suất motor và tải trọng sẽ tăng lên 136 kg. Nhà sản xuất cũng sẽ giải quyết vấn đề về độ bền bằng cách tích hợp máy phát sạc điện cho bộ pin để thiết bị có thể bay hơn 30 phút.
Theo công ty Ascend Dynamics, thiết bị phản lực của họ rất hữu ích trong công tác tìm kiếm cứu hộ, thi hành luật, chữa cháy và hoạt động quân sự, kiểm tra cầu đường, bảo trì tháp liên lạc trên cao, đường dây điện và turbine gió. Thiết bị cho phép phi công bay theo chế độ điều khiển thủ công hoặc chế độ tự động.
An Khang (Theo New Atlas)
- Đĩa bay cá nhân vận tốc 260 km/h