Máy bay khổng lồ Airbus A380 hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đặc biệt kéo dài 3 tiếng, khởi hành từ sân bay Blagnac ở Toulouse (Pháp) hôm 25/3. Chuyến bay sử dụng động cơ Rolls-Royce Trent 900 và Nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF) chủ yếu làm từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ thải.
Airbus sau đó thực hiện chuyến bay A380 thứ hai với cùng loại nhiên liệu dầu ăn này, bay từ Toulouse đến Nice hôm 29/3. Chuyến bay thứ hai nhằm giám sát việc sử dụng SAF trong quá trình cất cánh và hạ cánh.
Nhiên liệu mà A380 sử dụng được cung cấp bởi TotalEnergies, công ty có trụ sở tại vùng Normandy của Pháp. Airbus đã thử nghiệm các chuyến bay chạy bằng SAF từ năm ngoái, với máy bay A350 thử nghiệm hồi tháng 3/2021 và A319 bay bằng dầu ăn hồi tháng 10. Hãng này hy vọng máy bay sẽ được cấp phép bay bằng SAF cuối thập kỷ này. Hiện tại, máy bay Airbus có thể hoạt động với 50% SAF, trộn lẫn cùng dầu kerosene truyền thống.
"Tăng cường sử dụng SAF là một biện pháp then chốt để đạt được tham vọng phát thải carbon ròng bằng 0 của ngành hàng không vào năm 2050", Airbus cho biết. Hãng này khẳng định, việc dùng SAF cho máy bay có thể giúp giảm 53% - 71% lượng carbon. Airbus dự định đưa ra thị trường mẫu máy bay không phát thải đầu tiên trên thế giới vào năm 2035.
SAF được cho là trung hòa carbon (lượng carbon thải ra bằng lượng hấp thụ). Một số hãng hàng không đã dùng nhiên liệu này với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, mức giá cao khiến việc sử dụng rộng rãi sẽ không sớm xảy ra.
Là máy bay chở khách lớn nhất thế giới, danh tiếng của A380 đã suy giảm trong những năm gần đây do một số hãng hàng không ngừng sử dụng, một phần vì chúng tiêu thụ nhiên liệu kém hiệu quả hơn so với các máy bay tầm xa hiện đại. Airbus đã giao chiếc A380 cuối cùng cho hãng hàng không Emirates cuối năm 2021.
Hôm 22/2, Airbus thông báo sẽ sử dụng mẫu máy bay khổng lồ này để thử nghiệm động cơ hydro - một cải tiến nhằm giảm tác động tới môi trường khi bay.
Thu Thảo (Theo CNN)
- Máng trượt - 'phao cứu mạng' khi máy bay gặp sự cố
- Siêu xe biến thành máy bay trong 3 phút