Tính đến 24/3, robot tự hành Chúc Dung đã thực hiện các sứ mệnh trên bề mặt hành tinh đỏ trong 306 ngày (ngày sao Hỏa) với hành trình dài 1,78 km, trong khi tàu quỹ đạo Thiên Vấn 1 bay xung quanh hành tinh được 609 ngày ở khoảng cách 277 triệu km so với Trái Đất.
Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hôm thứ Năm đã công bố những hình ảnh mới có độ nét cao từ cả tàu quỹ đạo và robot thăm dò bề mặt về khu vực khảo sát trên hành tinh đỏ.
Trong khi tàu Thiên Vấn 1 chụp lộ trình di chuyển rõ ràng của Chúc Dung từ trên cao, robot thăm dò gửi về Trái Đất ảnh chụp selfie (tự sướng) từ bề mặt, cung cấp cái nhìn cận cảnh hơn.
So với bức ảnh chụp vào tháng 5 khi tàu đổ bộ đáp xuống sao Hỏa, ảnh chụp tự sướng mới cho thấy một lớp cát bụi mỏng bám trên bề mặt của robot và hai vết bánh xe dài ở phía sau.
Theo CNSA, bão cát trên sao Hỏa đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận năng lượng của Chúc Dung. Thông tin đo đạc từ xa chỉ ra rằng lớp bụi đã làm giảm hiệu suất phát điện của các tấm pin mặt trời, nhưng vẫn tạo ra đủ năng lượng để robot tiếp tục công việc khám phá.
Nhóm dự án đã theo dõi thời tiết của sao Hỏa thông qua các hình ảnh chụp bởi tàu Thiên Vấn 1 và họ phát hiện ra rằng kể từ cuối tháng 1, những cơn gió lớn đã thổi bay cát và khiến chúng tích tụ ở khu vực phía bắc vĩ độ 60 của hành tinh.
Bán cầu bắc của sao Hỏa đang bước vào mùa thu, thời điểm thường xuyên có bão cát. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa quan sát thấy thời tiết bụi bặm đáng kể trong khu vực khảo sát của robot Chúc Dung.
Đoàn Dương (Theo CNS)
- Robot sao Hỏa của Trung Quốc gửi ảnh chụp đầu tiên
- Tàu NASA chụp hành trình của robot Trung Quốc trên sao Hỏa