Theo báo cáo của Viện Khảo cổ Thiểm Tây, khám phá này là kết quả của một dự án khai quật kéo dài một năm, bắt đầu từ tháng 3/2021, tại khu di tích Yeyuan ở huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây.
Khoảng 12.000 hiện vật được tìm thấy trong một khu vực rộng 500 m2, bao gồm rìu tay, nạo và các công cụ bằng đá sắc bén khác.
Theo ước tính sơ bộ, con người cổ đại tồn tại ở khu vực này ít nhất 600.000 năm trước. Hoạt động của họ bắt đầu phát triển mạnh cách đây khoảng 250.000 năm và kéo dài cho đến khoảng 70.000 năm trước.
Chuyên gia Zhang Gaike tại Viện Khảo cổ Thiểm Tây cho biết, cuộc khai quật có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu sự phát triển của các nền văn hóa ở vùng núi Tần Lĩnh, cũng như sự giao lưu giữa con người ở các vùng khác nhau trong thời kỳ đồ đá cũ.
Thời kỳ đồ đá cũ, hay giai đoạn đầu của thời đại đồ đá, chiếm phần lớn lịch sử của loài người trên Trái Đất, kéo dài từ khoảng 2,5 triệu năm trước đến 12 nghìn năm trước. Đặc trưng của thời kỳ này là sự phát triển của các công cụ bằng đá được ghè đẽo.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)
- Phát hiện loạt công cụ thời kỳ đồ đá
- Ngôi mộ 6.600 năm hé lộ khoảng cách giàu nghèo thời Đồ Đá