Hôm 18/3, các trạm thời tiết ở Nam Cực ghi nhận nhiệt độ kỷ lục khi khu vực này sắp vào mùa thu. Trạm Concordia ở độ cao 3.200 m ghi nhận mức nhiệt -12,2 độ C, ấm hơn trung bình 40 độ C, trong khi trạm Vostok ở vị trí cao hơn đo được -17,7 độ C, vượt kỷ lục cũ khoảng 15 độ C.
Điều này khiến các chuyên gia tại Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia Mỹ ở Boulder, bang Colorado, ngạc nhiên vì họ nhận thấy một số nơi thuộc Bắc Cực cũng ấm hơn 30 độ C so với trung bình, các khu vực xung quanh Bắc Cực đang gần đến hoặc đã chạm ngưỡng tan chảy.
Đây thực sự là hiện tượng bất thường xảy ra giữa tháng 3, theo nhà khoa học băng Walt Meier. "Những nơi này có mùa trái ngược nhau. Bạn thường sẽ không thấy các cực bắc và nam tan chảy cùng lúc", Meier nói.
Matthew Lazzara, nhà khí tượng tại Đại học Wisconsin, theo dõi nhiệt độ tại vùng Dome C-ii thuộc Đông Nam Cực và ghi nhận mức nhiệt -10 độ C hôm 18/3, trong khi ngưỡng bình thường là -43 độ C. "Đó là mức nhiệt mà bạn thường thấy vào tháng 1, không phải tháng 3. Tháng 1 là mùa hè ở đó. Thật bất thường", Lazzara nhận xét.
Cả Lazzara lẫn Meier đều cho rằng, những gì xảy ra ở Nam Cực có thể chỉ là sự kiện thời tiết ngẫu nhiên, không phải dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Nhưng nếu nó xảy ra lần nữa hoặc lặp đi lặp lại thì có thể chuyện này rất đáng lo ngại và là một phần của sự nóng lên toàn cầu.
Toàn bộ lục địa Nam Cực hôm 18/3 ấm hơn khoảng 4,8 độ C so với nhiệt độ trung bình năm 1979 - 2000, theo phân tích của Đại học Maine dựa trên các mô hình thời tiết của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Cùng ngày, toàn bộ Bắc Cực ấm hơn 3,3 độ C so với ngưỡng trung bình năm 1979 - 2000.
Trong khi đó, mức nhiệt toàn cầu chỉ cao hơn trung bình năm 1979 - 2000 khoảng 0,6 độ C. Mức trung bình toàn cầu giai đoạn này lại cao hơn 0,3 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Meier cho biết, sự nóng lên của Nam Cực thực sự kỳ lạ vì lục địa này - ngoại trừ khu vực bán đảo đang ấm lên và mất băng nhanh chóng - vốn không ấm lên nhiều, đặc biệt là khi so sánh với phần còn lại của Trái Đất. Nam Cực lập kỷ lục về lượng băng biển mùa hè ít nhất khi diện tích băng thu hẹp chỉ còn 1,9 triệu km2 cuối tháng 2. Có khả năng nguyên nhân là một dòng sông khí quyển lớn đã bơm không khí ấm và ẩm từ Thái Bình Dương đến phía nam, Meier nhận định.
Tại Bắc Cực, nơi đang ấm lên nhanh gấp 2 - 3 lần so với phần còn lại của thế giới và được coi là dễ bị biến đổi khí hậu tác động, không khí ấm của Đại Tây Dương đang tràn về phía bắc ngoài khơi Greenland.
Thu Thảo (Theo Phys)
- Thị trấn của Australia ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 50,7°C
- Cảnh báo về tác động toàn cầu khi Trái Đất ấm lên 1,5°C