Theo nhà cổ sinh vật học Mario Urbina, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Quốc gia San Marcos tại Lima, hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh thuộc về loài cá voi basilosaurus mới ở Peru. Ông và cộng sự tìm thấy mẫu vật vào cuối năm 2021 trên sa mạc Ocucaje ở bang Ica, cách Lima khoảng 350 km về phía nam. Khu vực hẻo lánh này từng là một vùng biển nông hàng triệu năm trước. Những đụn cát của sa mạc chứa số lượng lớn xương động vật biển có vú nguyên thủy.
Nhóm nghiên cứu gọi hóa thạch mới phát hiện là "quái vật Ocucaje". Họ ước tính con vật dài khoảng 17 m và sử dụng hàm răng lớn cực khỏe để ăn thịt cá ngừ, cá mập và những đàn cá mòi. "Phát hiện có ý nghĩa quan trọng bởi chưa có mẫu vật nào tương tự từng được phát hiện trên thế giới", Urbina cho biết.
Rodolfo Salas-Gismondi, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, basilosaurus khác với các loài cá voi cổ đại về mặt kích thước và sự phát triển của hàm răng. Cả hai đặc điểm đều chỉ ra nhiều khả năng chúng nằm ở đầu chuỗi thức ăn. Theo Salas-Gismondi, mẫu vật được bảo quản tốt và là một trong những động vật ăn thịt lớn nhất ở thời đại của nó. "Vào thời gian đó, biển Peru rất ấm áp. Nhờ hóa thạch, chúng tôi có thể dựng lại lịch sử của biển Peru", Salas-Gismondi chia sẻ.
Những con cá voi đầu tiên như basilosaurus tiến hóa từ động vật trên cạn cách đây 55 triệu năm. Vào cuối thế Thủy Tân (cách đây 34 - 56 triệu năm), cá voi thích nghi hoàn toàn với đời sống dưới biển. Các hóa thạch khác khai quật trên sa mạc Ocucaje bao gồm cá voi lùn 4 chân, cá heo, cá mập và sinh vật ở thế Trung Tân (5 - 23 triệu năm trước).
An Khang (Theo Newsweek)
- Hóa thạch cá voi 35 triệu năm trong bụng con cá voi khác