Hầu hết các loài động vật tiền sử mới được phát hiện trong các cuộc khai quật ngoài thực địa, nhưng nhà cổ sinh vật học Ashley Poust lại hướng sự quan tâm của mình đến bộ sưu tập hóa thạch sẵn có tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego ở California, nơi anh tìm thấy một trong những loài thú răng kiếm ăn thịt lâu đời nhất trên thế giới.
Bộ hàm gần như nguyên vẹn của sinh vật đã được khai quật tại hệ tầng Santiago ở California từ năm 1988. Trong nhiều năm, nó được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego và bị nhầm lẫn là tàn tích hóa thạch của một loài mới tiềm năng thuộc họ Nimravidae, bao gồm các loài thú răng kiếm dạng mèo, nhưng không phải "mèo thực sự", tồn tại cách đây khoảng 33,2 triệu năm.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PeerJ hôm 15/3, Poust đã phân tích lại bộ hàm và cho biết nó thuộc về một loài tiến hóa trước cả Nimravidae, sống cách đây tới 42 triệu năm. Sinh vật được đặt tên là Diegoaelurus vanvalkenburghae đi săn trong những khu rừng rậm rạp ở khu vực là San Diego ngày nay và thích nghi với chế độ ăn toàn thịt, điều chưa từng thấy ở động vật có vú vào thời điểm đó.
"Ngày nay, chế độ ăn toàn thịt không phải hiếm. Hổ làm được và gấu Bắc Cực cũng làm được. Nếu có một con mèo, bạn thậm chí có thể cho nó ăn toàn thịt tại nhà. Nhưng 42 triệu năm trước, các loài động vật có vú mới bắt đầu tìm cách sống sót bằng thịt mà thôi", Poust giải thích.
Các loài thú răng kiếm đã biết thường có răng dài, cong và rất dễ nhận diện. Tuy nhiên, răng của loài này khác rất nhiều so với những họ hàng gần nhất của nó.
"Không có loài thú nào giống như thế này được mô tả trước đây", Poust nhấn mạnh. "Một số tổ tiên động vật có vú sở hữu răng nhanh dài, nhưng Diegoaelurus có những chiếc răng kiếm ngắn ở phía trước và những chiếc răng nhai thịt, còn được gọi là răng cắt kéo, ở phía sau. Đó là một sự kết hợp mạnh mẽ để thích nghi với chế độ ăn toàn thịt".
Các hóa thạch được khai khai quật tại hệ tầng Santiago cho chúng ta thấy một California từng rất ẩm ướt với cảnh quan rừng rậm trong quá khứ, nơi có những con tê giác nhỏ bé, heo vòi và động vật ăn cỏ giống cừu dưới mặt đất, cùng với các loài linh trưởng và thú có túi trên cây. "Thức ăn phong phú đã cho phép Diegoaelurus sống cuộc sống của một kẻ mối săn chuyên biệt trước hầu hết các loài động vật có vú khác", tác giả chính của nghiên cứu nói thêm.
Loài thú răng kiếm mới được mô tả là có kích thước tương đương linh miêu hiện đại, với khuôn mặt dài và một chiếc cằm xương xẩu. Nó sống chủ yếu ở phía tây dãy núi Rocky và đại diện cho một chi mới trong phân họ Machaeroidinae.
"Đến nay chúng ta mới biết rất ít về Machaeroidinae, vì vậy mỗi khám phá mới sẽ giúp mở rộng hiểu biết đáng kể về chúng. Hóa thạch tương đối hoàn chỉnh và được bảo quản tốt này đặc biệt hữu ích vì răng của nó cho phép chúng ta suy ra chế độ ăn uống, nhờ đó hiểu được các loài Machaeroidinae có liên quan với nhau như thế nào", Tiến sĩ Shawn Zack, đồng tác giả của nghiên cứu, nói thêm.
Đoàn Dương (Theo All That Interesting/NHM)
- Phát hiện loài khủng long bọc thép lâu đời nhất ở châu Á
- Hóa thạch tiết lộ loài thằn lằn bay có hàm răng kỳ dị