Thông tin được ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo chia sẻ tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Bắc Giang chiều 17/3. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị thông điệp được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ gửi tới các lãnh đạo Sở xác định nhiệm vụ trọng tâm của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng tốc tăng trưởng kinh tế.
Ông Hoàng Minh cho biết, Việt Nam đang sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII, đây là bộ chỉ số lớn được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Theo đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP, xuất nhập khẩu công nghệ cao, đầu ra sáng tạo và công nghệ... Tuy nhiên sự tham gia địa phương còn hạn chế, trong đó dữ liệu địa phương và quốc gia không tương đồng. Bên cạnh đó, đặc điểm của các địa phương cũng khác nhau, đa dạng nguồn lực nên không thể mang khung áp dụng cho từng địa phương.
"Các cấp độ đánh giá giữa địa phương với quốc gia chưa đồng bộ bởi vậy việc hệ thống lại đo lường đánh giá là nhu cầu cần thiết", ông nói và cho biết sẽ thí điểm triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. "Việc cải thiện bộ chỉ số để nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu, xây dựng trên sự giám sát của một tổ chức quốc tế bảo trợ chuyên môn. Dự kiến sẽ đưa ra những công bố đầu tiên trong năm nay", ông Minh nói.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, các hoạt động đổi mới công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã tạo môi trường thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thị trường khoa học công nghệ địa phương. Cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, song Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện nghị quyết đại hội 13 của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, bởi vậy "nội hàm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải được quan tâm".
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra như kế hoạch xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo, hướng tới chuyển đổi số, khơi thông các nguồn lực, Thứ trưởng gợi mở việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất. Ông nêu rõ cần tăng cường kết nối hợp tác giữa đơn vị trong bộ, địa phương trong việc lựa chọn triển khai nghiên cứu, phát triển đồng bộ theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng, đem khoa học công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thứ trưởng cho rằng, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án khoa học công nghệ quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao nguồn lực công nghệ chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm chuyển giao công nghệ.
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị đã được các lãnh đạo Sở đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó Hà Nội ban hành chương trình riêng mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, tiến tới trung tâm khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực. Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó có "cố đô khởi nghiệp"...
Lắng nghe các kiến nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, bộ chỉ số tính đổi mới sáng tạo dự kiến thí điểm ở một số tỉnh đại diện cho 7 vùng kinh tế trong cả nước. "Việc tính toán không chỉ xếp hạng, mà biết điểm mạnh, yếu của từng địa phương qua đó phục vụ phát triển kinh tế", ông nói và thêm rằng đã có nhiều địa phương đăng ký triển khai như Hải Phòng, Bắc Giang, Cần Thơ...
Như Quỳnh