Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển của mạng xã hội Facebook đã nở rộ lên một "ngành dịch vụ" mới, đó là "dịch vụ hỗ trợ Facebook". Về cơ bản, những người làm công việc này sẽ tìm kiếm các khách hàng có tài khoản Facebook hoặc các nền tảng có liên quan (như Instagram) bị khoá (bằng bất cứ lý do gì), sau đó gửi hỗ trợ tới Facebook để mở khoá tài khoản.
Chi phí cho dịch vụ này cũng rất đa dạng, tuỳ thuộc vào lý do tài khoản bị khoá cũng như độ phổ biến của chủ tài khoản. Lý do càng nghiêm trọng hay chủ tài khoản có càng nhiều người theo dõi thì chi phí cũng từ đó mà tăng dần, lên tới hàng chục hoặc thậm chí tới hàng trăm triệu đồng.
Nếu gặp được người làm dịch vụ có tâm, người dùng Facebook sẽ có lại được tài khoản sau khi trả tiền (cũng sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ thành công ít nhiều), còn không thì sẽ gặp phải tình trạng "tiền mất tật mang", tiền thì mất mà tài khoản thì cũng chẳng lấy lại được. Đây chính là trường hợp của anh Nguyễn Hùng Lâm (Hà Nội), khi tin lời kẻ gian trên Facebook và bị chiếm đoạt số tiền gần 70 triệu đồng.
Mất gần 70 triệu đồng vì tin lời kẻ gian trên Facebook
Theo lời kể của anh Lâm, ngày 23/11/2021, tài khoản Instagram của anh bỗng dưng bị khoá vì lý do không rõ. Trong thời điểm bị khoá tài khoản, anh Lâm có tìm được một người "hỗ trợ Facebook" có tên Thái Quốc Hiếu, số điện thoại giao dịch là 0816994656. Người này báo giá dịch vụ lấy lại tài khoản Instagram là 25 triệu đồng, thời gian cam kết là từ 1 tới 10 ngày. Anh Lâm sau đó đã đồng ý và chuyển khoản chi phí cũng như các thông tin cá nhân liên quan.
Cùng ngày, tài khoản Thái Quốc Hiếu báo chi phí tăng lên 1500 USD, tức yêu cầu anh Lâm chuyển khoản thêm 500 USD, khoảng 13 triệu đồng nữa với lý do "đối tác bên Mỹ" yêu cầu như vậy. Anh Lâm tiếp tục đồng ý với chi phí tăng thêm, chuyển khoản và hi vọng tài khoản sẽ sớm được mở lại.
"Đối tác bên Mỹ" của kẻ lừa đảo đòi chi phí phát sinh lần 1
Trong 10 ngày sau đó, tài khoản Instagram của anh Lâm vẫn chưa có dấu hiệu được mở lại. Thời điểm này, tài khoản Thái Quốc Hiếu cho biết thời gian mở khoá có thể kéo dài tới 25 ngày. Tới ngày 29/12/2021, tức là sau thời điểm trên gần một tháng, anh Lâm tiếp tục nhận được tin nhắn báo chi phí tăng thêm 1200 USD với lý do tài khoản Instagram "ăn nhiều gậy" và "spam quá nhiều".
Kẻ lừa đảo tiếp tục đòi thêm chi phí phát sinh lần 2, số tiền lừa đảo lúc này đã là 3000 USD
Anh Lâm lúc này đã nhận ra có điều bất thường, nhưng vì với hi vọng được mở khoá tài khoản trong 48 tiếng và bên "đối tác" không cho huỷ giao dịch, anh đồng ý chuyển thêm 1200 USD nữa. Sau đó, anh nhận được một đường dẫn phục hồi tài khoản Instagram, tuy nhiên bên làm dịch vụ yêu cầu chỉ nhấp vào đường dẫn này một tuần sau đó.
Một tuần sau, khi anh Lâm nhấp vào đường dẫn khôi phục tài khoản, trang web báo lỗi và anh tiếp tục phản hồi lại với bên làm dịch vụ. Lúc này, "đối tác bên Mỹ" cho biết quá trình bị lỗi và yêu cầu anh Lâm tiếp tục ứng thêm số tiền 40 triệu đồng để xử lý, số tiền này sau đó sẽ được trả lại cho khách. Tới lúc này, anh Lâm mới phát hiện mình đã bị lừa, huỷ thì cũng không thể huỷ được mà cũng không thể chuyển tiền tiếp cho kẻ gian. Tổng số tiền bị chiếm đoạt đã lên tới 3000 USD, tức gần 70 triệu đồng.
Kẻ lừa đảo tự tạo dựng nên câu chuyện tinh vi về "đối tác bên Mỹ" để tránh các rủi ro
Cảnh giác với những kẻ lừa đảo núp bóng "dịch vụ hỗ trợ Facebook"
Đặc thù của ngành dịch vụ này là khách hàng buộc phải chuyển khoản 100% chi phí trước khi thực hiện mở khoá tài khoản. Và trong đa số trường hợp, khách hàng hầu như không thể biết được thông tin về người làm dịch vụ. Khả năng bị lừa đảo chiếm đoạt tiền là cực kỳ cao.
Theo anh Vũ Trung Kiên, hiện đang là kỹ sư an toàn thông tin tại VCCorp cho biết, rất nhiều trường hợp làm "dịch vụ Facebook" chỉ để chiếm đoạt tiền và các thông tin khách hàng (chứng minh thư, email, số điện thoại...). Kể cả khi khách hàng có yêu cầu người làm dịch vụ cung cấp chứng minh thư để "làm tin", thì các chứng minh thư này cũng rất dễ làm giả bằng Photoshop và không đáng tin cậy. Ngoài ra, nếu người dùng bị mất tài khoản mà không vi phạm bất cứ điều khoản nào có thể tự mình liên hệ tới Facebook để xác minh danh tính, hoặc nếu không thì nên bỏ và tạo tài khoản mới.
Để nhận biết các tài khoản lừa đảo, anh Nguyễn Hoàng Tuấn Minh, một người có tiếng trong ngành dịch vụ Facebook cho biết người dùng cần lưu ý 5 điều trước khi thực hiện giao dịch.
1. Nếu không biết rõ người làm dịch vụ là ai thì hãy yêu cầu giao dịch trung gian với những người làm dịch vụ uy tín.
2. Kiểm tra kỹ các bài đăng trên Facebook người làm dịch vụ có để cho người lạ bình luận (comment) hay không bởi 100% các đối tượng lừa đảo sẽ không cho phép người lạ bình luận.
3. Nếu có người bình luận vào bài đăng, kiểm tra từng người một xem có phải là tài khoản thật đang hoạt động hay chỉ là tài khoản giả mạo (clone).
4. Cách tốt nhất để kiểm tra xem người làm dịch vụ có từng lừa đảo hay không, hãy tìm kiếm trên Facebook và Google với từ khoá "[tên] + lừa đảo" hoặc "[số điện thoại] + lừa đảo", nếu có ít nhất một bài đăng khiếu nại, ngừng giao dịch ngay lập tức.
5. Chỉ chuyển khoản chi phí nếu đáp ứng các điều kiện trên, tên tài khoản trùng với tên Facebook, trên Facebook có rõ mặt của người làm dịch vụ.
Trong trường hợp tài khoản "Thái Quốc Hiếu", chúng tôi có kiểm tra Facebook người này và thấy các bài đăng công khai đều không cho người lạ bình luận, tương tác rất ít và đa số người bình luận vào bài viết đều không rõ danh tính.
Qua tìm kiếm trên Facebook, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều người khác cũng bị tài khoản "Thái Quốc Hiếu" chiếm đoạt tiền, thậm chí có hẳn một trang Facebook có tên "Hội những người đòi tiền Thái Quốc Hiếu nhưng chưa được trả". Đây là một ví dụ điển hình cho thấy người dùng cần tìm hiểu kỹ về người mình chuẩn bị giao dịch.
Chị Thuý Hạnh (TP. HCM), cũng là một nạn nhân của "dịch vụ Facebook" lừa đảo cho biết: "Tài khoản Facebook của mình bị hack, có nhờ một người làm dịch vụ Facebook lấy lại với chi phí 700,000 đồng. Sau khi chuyển tiền thì mình bị chặn liên lạc, không thể làm gì được nữa. Sau đó mình kiểm tra thì mới biết người này từng lừa đảo rất nhiều người trước đó."
Chỉ sau khi chuyển tiền, chị H. mới biết mình đã giao dịch với kẻ lừa đảo có tên "Phạm Duy", số điện thoại 0925604550
Có thể thấy rất nhiều người đã bị lừa tiền bởi các kẻ làm "dịch vụ Facebook" tự xưng. Các hoạt động lừa đảo trên Facebook diễn ra càng ngày càng tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người để chiếm đoạt tiền và các thông tin cá nhân. Phổ biến nhất là những kẻ gian chặn khách hàng ngay sau khi nhận được tiền chuyển khoản, hoặc như trường hợp của anh Lâm, kẻ gian tự tạo dựng một câu chuyện về "đối tác bên Mỹ", chuyển đổi rủi ro sang tài khoản của "đối tác", vốn là một tài khoản ảo không có thật, từ đó tự biến mình thành nạn nhân nếu có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Người dùng cần tự trang bị những kiến thức về an toàn thông tin trước khi thực hiện giao dịch đối với bất cứ đối tượng nào trên không gian mạng, bởi không ai có thể biết chắc được gì sau khi tiền đã được chuyển, và cũng không hề có một sự đảm bảo nào về quyền lợi khách hàng khi giao dịch đã thực hiện.
Lấy link