Solar Orbiter, nhiệm vụ hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA, phóng vào tháng 2/2020. Con tàu thu hút nhiều sự chú ý trong lần đầu tiên bay gần Mặt Trời vào tháng 6/2020 khi camera ghi lại hiện tượng chưa từng thấy trước đây trên bề mặt ngôi sao, những vệt lóa nhỏ gọi là "lửa trại". Khi chụp các bức ảnh đó, tàu Solar Orbiter nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời ở khoảng cách 77 triệu km. Trong lần bay gần sắp tới, Solar Orbiter sẽ chụp ảnh Mặt Trời từ cách đó 48 triệu km. Không có tàu vũ trụ nào từng chụp ảnh Mặt Trời gần như vậy trước đây, có nghĩa Solar Orbiter sẽ tự phá vỡ kỷ lục năm ngoái.
Louise Harra, giám đốc Trung tâm bức xạ thế giới của Đài quan sát khí tượng ở Davos, Thụy Sĩ, một trong các nhà nghiên cứu chính của nhiệm vụ, hy vọng có thể tìm hiểu liệu mọi đặc điểm động lực mà họ thấy ở "lửa trại" có xuất hiện ở gió mặt trời hay không. Gió mặt trời là dòng hạt thường xuyên phát ra từ Mặt Trời, có thể gây bão địa từ trên Trái Đất, ảnh hưởng tới mạng lưới điện và phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo.
Các nhà khoa học muốn biết liệu những đám lửa trại rộng 400 - 4.000 km có giải phóng năng lượng vào không gian xung quanh hay không bởi điều đó có thể lý giải tại sao vành nhật hoa, lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời, nóng đến vậy. Với nhiệt độ lên tới 1 triệu độ C, vành nhật hoa nóng hơn nhiều so với bề mặt Mặt Trời (5.500 độ C). Chênh lệch nhiệt độ này có vẻ phi logic bởi vật liệu ở càng xa nguồn nhiệt sẽ càng mát hơn.
Để tìm hiểu Mặt Trời tác động như thế nào tới môi trường xung quanh, Solar Orbiter sử dụng 10 thiết bị khoa học để tiến hành các phép đo. Lần bay gần nhất sẽ diễn ra vào ngày 26/3. Con tàu sẽ trải qua 3 tuần bay gần Mặt Trời hơn quỹ đạo của sao Thủy, hành tinh ở trong cùng của hệ. Tàu Hinode của Nhật Bản, tàu Interface Region Imaging Spectrograph (IRIS) của NASA, Đài quan sát Mặt Trời và Nhật quyển của ESA sẽ theo dõi những ảnh hưởng tới thời tiết vũ trụ trong khi Solar Orbiter tìm kiếm nguồn gốc.
An Khang (Theo Space)
- Tàu vũ trụ chụp ảnh vụ phun trào khổng lồ trên Mặt Trời