Tác động từ một vụ va chạm thiên thạch trên Trái Đất tạo ra cánh đồng miệng hố khổng lồ. Khu vực ở đông nam bang Wyoming có hơn 30 miệng hố hình thành khoảng 280 triệu năm trước, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí GSA Bulletin. Những miệng hố được tạo ra sau khi thiên thạch đâm xuống ở cách đó hàng trăm kilomet, thổi bay nhiều tảng đá nền vào không trung.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Thomas Kenkmann, nhà địa chất học ở Đại học Freiburg tại Đức, các miệng hố là kết quả của đất đá bắn văng ra từ một miệng hố chính. Miệng hố thứ cấp tập trung xung quanh miệng hố lớn rất phổ biến trên những hành tinh và mặt trăng khác nhưng chưa bao giờ được tìm thấy trên Trái Đất. Ví dụ, miệng hố thứ cấp nằm rải rác trên khu vực ở vùng tối của Mặt Trăng, gần 4 miệng hố chính là Finsen, Von Kármán L, Von Kármán L' and Antoniadi.
Ngoài 31 miệng hố thứ cấp đã nhận dạng, nhóm nghiên cứu còn phát hiện hơn 60 miệng hố tiềm năng khác. Khi quan sát khu vực miệng hố lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ một tiểu hành tinh bị vỡ giữa không trung làm đá rơi xuống nền đất bên dưới. Các miệng hố có đường kính từ 10 đến 70 m. Kết quả kiểm tra kỹ hơn cho thấy vài miệng hố tập trung thành cụm nhỏ và một số miệng hố có hình elip thay vì hình tròn.
Những miệng hố cũng tỏa ra theo hình tia, chứng tỏ đây đều là miệng hố thứ cấp tạo bởi mảnh vỡ văng ra xung quanh miệng hố chính hình thành từ vụ va chạm ban đầu. Nhưng việc xác định miệng hố chính là một nhiệm vụ khó khăn. Nhóm nghiên cứu suy đoán miệng hố đó bị vùi sâu dưới lớp trầm tích ở đâu đó gần biên giới bang Wyoming - Nebraska, tại khu vực có tên bồn địa Denver.
Các nhà nghiên cứu dự đoán miệng hố chính có bề rộng 50 - 65 km. So với nó, miệng hố ở bán đảo Yucatán gắn liền với sự tuyệt chủng của khủng long, lớn gấp 3 lần (150 km) và tất cả miệng hố thứ cấp đều lớn cỡ ngôi nhà (4 - 8 m).
An Khang (Theo Space)
- Miệng hố lớn nhất trên Trái Đất trong 100.000 năm qua