Trong phát hiện công bố hôm 3/2 trên tạp chí Geophysical Research Letters, nhà nghiên cứu Sam Purkis quan sát một khe nứt sâu rộng 3 m và cao 8 m ở độ sâu 900 m tại eo Tiran. "Ngay lập tức, tôi nhận ra chúng tôi đang nhìn thấy vết tích của hoạt động địa chất làm vỡ đáy biển", Purkis, nhà khoa học địa chất biển ở Đại học Miami, hồi tưởng.
Nghiên cứu sâu hơn hé lộ đây là kết quả của một vụ sạt lở dưới biển, nhiều khả năng từng tạo sóng thần cao 10 m tràn vào vùng ven biển Ai Cập cách đây khoảng 500 năm. Ngày nay, phần đất đó vẫn lung lay ở rìa. Nếu tiếp tục sạt lở, mô hình vi tính cho thấy sự kiện có thể dẫn tới một trận sóng thần lớn gấp đôi trận sóng thần trước đó. Ngay cả khi động đất xuất hiện trong vùng, sóng thần lớn cỡ này cũng hiếm khi hình thành. "Chỉ cần chấn động nhỏ ở vị trí không thích hợp và cả mỏm đất có thể sụp đổ, gây ra sóng thần lớn hơn nhiều so với cách đây 500 năm", Purkis giải thích.
Biển Đỏ là một đới tách giãn, có nghĩa khu vực này đang mở rộng khi hai mảng kiến tạo tiếp giáp dịch chuyển dần. Sự trượt dốc dọc theo nhiều vị trí ở ven Biển Đỏ có thể đặc biệt nguy hiểm ở các eo biển hoặc lối hẹp, nơi sóng biển có thể gây lở đất nhanh chóng mà hầu như không ai biết.
Chẳng hạn, tại eo biển Tiran, nhóm nghiên cứu cho biết sóng thần cao 20 m có thể gây thiệt hại nặng nề cho khu đô thị ven biển Ai Cập và Arab Saudi. Theo mô hình, một thị trấn nghỉ mát của Ai Cập nằm thẳng trên đường sóng thần tràn qua. Việc đánh giá rủi ro hết sức cần thiết, dù chỉ trượt khoảng 30 m, vụ sạt lở cách đây nửa thiên niên kỷ tạo ra những cơn sóng mạnh tới mức xô vào bờ chỉ trong vòng vài phút.
Nếu trong tương lai, đất trượt thêm 50 m, mô hình cho thấy nơi chịu tác động đầu tiên là đô thị Sharm El Sheikh ở Ai Cập. Trong vòng 1 phút 30 giây, sóng xô vào bờ ở đây có thể cao tới 21 m. Nếu đất trượt thêm 100 m nữa, sóng tràn vào Sharm sẽ cao 35 m. Chếch về phía bắc, ở vịnh Mouse, sóng có thể cao 45 m, ập vào vùng ven biển trong chưa đầy 3 phút sau. Tiếp sau vài phút, vùng duyên hải Arab Saudi ở bên kia eo biển cũng chịu tác động, dù cơn sóng nhỏ hơn. Trong tình huống tồi tệ nhất, các nhà nghiên cứu cho rằng sóng tràn tới Arab Saudi sẽ đạt độ cao 15 m.
Việc dự đoán trước thời điểm sóng thần xuất hiện sẽ giúp cứu sống sinh mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng. Nhóm nghiên cứu cho rằng lở đất dưới nước ở Biển Đỏ cần được theo dõi giống động đất.
An Khang (Theo Science Alert)
- Trận động đất 'ẩn' gây sóng thần toàn cầu năm 2021