Bất chấp cam kết của gần 200 quốc gia trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11 năm ngoái, Trái Đất vẫn đang trên đà ấm lên hơn 2°C. Ngay cả khi đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những tác động rất nghiêm trọng trên phạm vi rộng của biến đổi khí hậu, Liên Hợp Quốc hôm 28/2 cảnh báo.
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy, có tới 3,6 tỷ người sống ở các khu vực rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, với số người chết và ốm đau do nắng nóng khắc nghiệt, dịch bệnh xuất hiện ở các khu vực mới, sự gia tăng của bệnh tả và gia tăng tiếp xúc với khói từ các đám cháy rừng.
Mực nước biển dâng cao không thể tránh khỏi sẽ phá hủy môi trường sống ven biển, làm mặn nước ngầm, gây lũ lụt và thiệt hại cơ sở hạ tầng, đe dọa an ninh lương thực. Số người sống ở các vùng đất trũng ven biển dự kiến sẽ tăng từ 896 triệu như hiện nay lên một tỷ vào năm 2050.
Sức khỏe tâm thần cũng ngày càng bị ảnh hưởng, với những người bị lo lắng về sinh thái, mất kế sinh nhai và chấn thương do những ngôi nhà bị ngập lụt. Trong những thập kỷ tới, tình trạng sức khỏe kém và tử vong sớm sẽ gia tăng đáng kể, bệnh sốt xuất huyết sẽ lan rộng và gia tăng lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên.
Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi đây là "tập bản đồ về nỗi đau khổ của con người".
Không chỉ con người mà thiên nhiên cũng chịu những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. IPCC cảnh báo nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5°C, có tới 14% các loài sinh vật trên đất liền phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tương lai. Ở mức tăng 3°C, con số này lên tới 29%.
Nóng lên toàn cầu đã và đang gây ra những tổn thất không thể phục hồi trong các hệ sinh thái, với sự chết hàng loạt của san hô và cây cối, một nửa số loài trên toàn cầu có xu hướng chuyển dịch về các cực hoặc môi trường sống có độ cao lớn hơn. Nhiều loài đã được xác định tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, bao gồm một loài gặm nhấm ở Australia có tên là Bramble Cays Melomys.
Nhiều hệ thống tự nhiên đang đạt hoặc tiến gần đến "điểm tới hạn", chẳng hạn như sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và băng ở Nam Cực. Nếu Trái Đất nóng lên 2°C, tác động nhiệt lên rừng Amazon cùng với những thay đổi trong sử dụng đất sẽ dẫn đến mất mát không thể đảo ngược đối với động vật hoang dã và hệ thống tự nhiên của nó.
"Báo cáo này cho thấy biến đổi khí hậu là một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với hành tinh và sức khỏe của chúng ta. Nó nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động ngay lập tức và tham vọng hơn để giải quyết các rủi ro khí hậu", Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết.
Đoàn Dương (Theo NewScientist/Metro)
- Cá voi giúp chống biến đổi khí hậu như thế nào?
- Nước biển có thể dâng cao 63,5 cm ở Mỹ vào năm 2050