Nghĩa địa chứa 4.000 cánh turbine gió khổng lồ ở Mỹ

Chưa có biện pháp tái chế hiệu quả, cánh turbine gió sau khi kết thúc chu kỳ hoạt động 25 năm trở thành mối đe dọa mới với môi trường.


Từ nghĩa trang thị trấn ở Sweetwater, Texas, sang bên kia đường là một nghĩa địa khác. Tại đây, khoảng 4.000 cánh turbine gió khổng lồ đã qua sử dụng được xếp chồng chất, chiếm gần hết diện tích của cánh đồng rộng khoảng 10,1 ha, Mail hôm 27/2 đưa tin.


Các cánh turbine gió có thể dài hơn cánh máy bay Boeing 747 - hơn 90 m - và nặng tới 8 tấn, nên được cưa thành ba mảnh. Chúng vẫn rất đồ sộ, dù đang bị cỏ dại che phủ ngày càng nhiều. Chúng đã ở đây 5 năm và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại nhiều năm nữa.


Những turbine gió khổng lồ màu trắng đang mọc lên ngày càng nhiều trên đất liền và biển, cung cấp năng lượng tái tạo cho thế giới. Tuy nhiên, chúng đi kèm với một cái giá tiềm ẩn về môi trường mà hiếm khi được nhắc tới: chúng không tồn tại vĩnh viễn. Trên thực tế, turbine gió chỉ hoạt động 20 - 25 năm. Bên cạnh đó, cánh quạt được chế tạo từ sợi thủy tinh và nhựa để chịu được gió bão nhưng vẫn đủ nhẹ để quay. Chúng không dễ bị nghiền nát, việc tái chế lại càng khó khăn.


Giới khoa học đang tìm cách tách nhựa khỏi sợi thủy tinh hoặc nghiền cánh quạt thành những miếng nhỏ có thể sử dụng trong các sản phẩm khác. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm phương pháp khả thi trên quy mô lớn.


Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2050, thế giới sẽ thải bỏ hai triệu tấn cánh turbine gió mỗi năm. Ở Anh, khối lượng này đã vượt quá 100.000 tấn mỗi năm. Hiện tại, cánh quạt cũ chủ yếu được chôn ở các bãi rác và sẽ mất hàng thế kỷ để phân hủy.


Việc xử lý các cánh turbine cũ dự kiến ngày càng khó khăn. Số lượng cánh quạt hết tuổi thọ sẽ tăng vọt khi những chiếc được chế tạo trong thời kỳ bùng nổ năng lượng gió (những năm 1990 và 2000) hoạt động kém dần. Trong khi đó, các cánh turbine ngày càng được làm dài hơn để nâng cao hiệu quả, đồng nghĩa ngày càng có nhiều rác thải.


Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ cảnh báo, trong vài thập kỷ tới, thế giới phải đối mặt với "làn sóng" cánh quạt thải lên tới hàng trăm nghìn chiếc, thậm chí nhiều hơn. Cánh turbine gió đã qua sử dụng không thải độc tố vào đất, nhưng chúng chiếm rất nhiều chỗ trong các bãi chôn lấp đã quá tải.


Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, nếu xây trang trại gió ngoài khơi ở mọi địa điểm khả thi, chúng có thể tạo ra nhiều điện hơn nhu cầu của thế giới.
Quận Nolan, Texas, là nơi tập trung lượng turbine gió lớn nhất Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia sản xuất năng lượng gió lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Trong số 180.000 turbine gió đang hoạt động ở Mỹ, 1/4 nằm ở Texas. Miền tây của bang này nhìn chung rất bằng phẳng và nhiều gió - điều kiện tốt để lắp đặt turbine.


Sweetwater, thủ phủ của Nolan, từng tập trung phát triển năng lượng gió, thậm chí sử dụng cánh turbine làm bảng chào mừng trên con đường chính. Nhưng giờ đây, nơi này lại có một nghĩa địa turbine gió khổng lồ. Các cánh quạt này thuộc sở hữu của Global Fibreglass Solutions, một công ty tái chế của Mỹ. Vì nhiều lý do, việc tái chế vẫn chưa được triển khai một cách hiệu quả.


Ở nước Anh đông dân cư, việc vứt bỏ hàng nghìn cánh turbine cũ một cách khá tùy tiện như Sweetwater khó được chấp nhận. Thay vào đó, phần lớn trong số 100.000 tấn cánh turbine bị thải bỏ mỗi năm sẽ được chôn xuống bãi rác. Châu Âu hạn chế nghiêm ngặt những thứ có thể chôn theo cách này, do đó, một số cánh quạt được đốt trong các nhà máy hoặc lò nhiệt phân đặc biệt để tạo ra sản phẩm như keo hay sơn. Nhưng quá trình này đòi hỏi nhiều năng lượng và việc đốt cháy sợi thủy tinh cũng tạo ra chất ô nhiễm.


Tháng 11, một dự án kéo dài 3 năm với khoản tài trợ 2 triệu bảng Anh nhằm phát triển nghiên cứu của Đại học Strathclyde được công bố. Mục tiêu của dự án là tái chế các thành phần của cánh turbine gió để sử dụng trong ngành công nghiệp xe hơi và xây dựng. Tại Đan Mạch và Ireland, cánh quạt được tận dụng làm cầu và bãi đỗ xe đạp. Trong khi ở Hà Lan, chúng được dùng làm cầu trượt và ván dốc cho trẻ em. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số cánh quạt khổng lồ mà thế giới sắp thải bỏ.


Thu Thảo (Theo Mail)









Nghia dia chua 4.000 canh turbine gio khong lo o My


Chua co bien phap tai che hieu qua, canh turbine gio sau khi ket thuc chu ky hoat dong 25 nam tro thanh moi de doa moi voi moi truong.

Nghĩa địa chứa 4.000 cánh turbine gió khổng lồ ở Mỹ

Chưa có biện pháp tái chế hiệu quả, cánh turbine gió sau khi kết thúc chu kỳ hoạt động 25 năm trở thành mối đe dọa mới với môi trường.
Nghĩa địa chứa 4.000 cánh turbine gió khổng lồ ở Mỹ
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: