Dữ liệu online từ hệ thống theo dõi phóng xạ tự động ở vùng cấm Chernobyl cho thấy phóng xạ gamma tăng gấp nhiều lần tại các điểm quan sát. Nhà chức trách ở cơ quan hạt nhân Ukraine cho rằng nguyên nhân đến từ bụi phóng xạ bốc lên do hoạt động di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng trong vùng.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động đang bị binh lính Nga chiếm đóng từ hôm 24/2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh xâm lược toàn diện Ukraine vào sáng sớm. Nhân viên tại chỗ chuyên theo dõi và duy trì lượng phóng xạ ở mức an toàn bị quân đội Nga bắt làm con tin, theo Anna Kovalenko, chuyên gia quân sự Ukraine. "Nhân viên nhà máy đang bị bắt giữ. Điều này sẽ đe dọa sự an toàn không chỉ của Ukraine mà cả một khu vực rộng lớn ở châu Âu", Kovalenko cho biết.
Là một trong những khu vực có nồng độ phóng xạ cao nhất thế giới, nhiều nơi ở vùng cấm Chernobyl bị đóng cửa sau thảm họa nóng chảy của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine vào năm 1986. Trong năm đó, hai vụ nổ mạnh bên trong lò phản ứng của nhà máy làm sập phần mái nặng 1.800 tấn, khiến bụi phóng xạ và những mảnh vỡ của lò hạt nhân bao phủ khu vực rộng 2.600 km2. Sau khi sơ tán và đóng lò, buồng chứa lò phản ứng bị bịt kín và khu vực này sẽ không có người ở trong 24.000 năm tới.
Chiến sự quanh nhà máy hôm 24/2 dẫn tới lo ngại đạn lạc có thể vô tình đâm xuyên qua hai lớp bảo vệ lò phản ứng phát nổ, bao gồm cấu trúc vòm mới ở bên ngoài và "quan tài" bê tông ở bên trong, giải phóng bụi phóng xạ bên trong. Trong một phát ngôn trái ngược, Igor Konashenkov, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định phóng xạ quanh nhà máy vẫn ở mức bình thường và các lực lượng của Nga đang làm việc với nhân viên nhà máy để đảm bảo an toàn ở khu vực.
Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho rằng động thái chiếm đóng khu vực Chernobyl nằm trong chiến lược đối phó với phương Tây. Chernobyl chỉ cách thủ đô Kyiv 97 km về phía bắc, nằm trên lộ trình xâm lược trực tiếp giữa Kyiv và cửa ngõ tiến vào Ukraine của các lực lượng quân đội Nga tại biên giới Belarus.
Theo Claire Corkhill, giáo sư chuyên nghiên cứu phân rã vật liệu hạt nhân ở Đại học Sheffield của Anh, phóng xạ gamma quanh nhà máy Chernobyl tăng gấp khoảng 20 lần so với vài ngày trước. "Dữ liệu này dường như dựa trên một điểm. Điều đáng quan tâm là nồng độ phóng xạ tăng lên chủ yếu quanh những tuyến ra vào chính ở vùng cấm Chernobyl cũng như lò phản ứng, chứng tỏ hoạt động di chuyển tăng lên của con người và phương tiện có thể ảnh hưởng tới bụi phóng xạ", Corkhill suy đoán. Bà cho biết, nhiêu liệu có độ phóng xạ cao bên trong lò phản ứng bị chôn vùi bên dưới nhà máy đã ngừng hoạt động và ít có khả năng được giải phóng.
An Khang (Theo Live Science)