Trong báo cáo trên tạp chí Current Biology hôm 22/2, các tác giả mô tả đây là một phát hiện loài hoàn toàn mới và đặt tên cho nó là Dearc sgiathanach. Hóa thạch của sinh vật được nghiên cứu sinh tiến sĩ Amelia Penny từ Đại học Edinburgh tìm thấy tại bãi biển Rubha nam Brathairean hẻo lánh trên hòn đảo Skye của Scotland.
Với chiều dài sải cánh ước tính từ 1,9 đến 3,8 m, Dearc là loài thằn lằn bay (pterosaur) lớn nhất từng được biết đến trong kỷ Jura. Không chỉ đặc biệt về kích thước, sinh vật còn gây ấn tượng bởi hàm răng kỳ dị.
"Nó có 24 chiếc răng to và sắc nhọn chĩa ra ngoài, tạo thành một kiểu lồng hoàn hảo khi khép hàm để bẫy cá", Giáo sư Steve Brusatte từ Trường Khoa học và Địa chất thuộc Đại học Edinburgh cho biết. "Một bầy Dearc săn mồi sẽ giống như cảnh tượng trong phim kinh dị".
Brusatte nhấn mạnh thêm rằng, mẫu vật ở Rubha nam Brathairean là một trong những hóa thạch thằn lằn bay được bảo quản nguyên vẹn và đẹp nhất trên thế giới. Xương của pterosaur thường rất nhẹ vì chúng chứa đầy túi khí, một số thậm chí mỏng như tờ giấy.
Lo ngại hóa thạch Dearc có thể bị phá hủy bởi thủy triều sau khi phát lộ, nhóm nghiên cứu đã lấy nó ra khỏi địa điểm và đưa về Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh để lưu giữ và trưng bày.
Đoàn Dương (Theo Sci-News/Sun)
- Phục dựng thằn lằn bay từ hóa thạch 115 triệu năm
- Giải mã chiếc cổ siêu dài của động vật bay lớn nhất