Một mảnh vỡ tên lửa sắp đâm vào Mặt Trăng ngày 4/3, ngoài tầm quan sát của tàu quay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của NASA. Vụ va chạm sẽ diễn ra ở vùng tối của Mặt Trăng và nằm ngoài phạm vi theo dõi của các kính viễn vọng trên mặt đất. Tàu LRO có thể quan sát vùng tối của Mặt Trăng, nhưng tàu sẽ không xem xét khu vực va chạm dự kiến vào thời điểm sự việc xảy ra. Tuy nhiên, NASA cho biết tàu có thể tiến hành quan sát sau sự kiện.
"Nhóm phụ trách nhiệm vụ đang đánh giá liệu có thể quan sát bất kỳ thay đổi nào đối với môi trường Mặt Trăng liên quan tới vụ va chạm hay không, và sau đó nhận dạng miệng hố hình thành từ vụ va chạm", một phát ngôn viên của NASA chia sẻ. "Sau sự kiện, LRO có thể sử dụng camera của tàu để xác định khu vực va chạm, so sánh với ảnh chụp cũ. Việc tìm kiếm miệng hố va chạm sẽ rất khó khăn và có thể kéo dài từ vài tuần tới vài tháng".
Lúc đầu, mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh Đài quan sát khí hậu không gian sâu vào tháng 2/2015. Tuy nhiên, quan sát sau đó cho thấy quỹ đạo không phù hợp với Falcon 9 mà gần với tên lửa trong nhiệm vụ Hằng Nga 5-T1 của Trung Quốc phóng năm 2014 hơn. Nhiệm vụ này là một thử nghiệm chứng minh công nghệ trước nhiệm vụ Hằng Nga 5 nổi tiếng giúp mang mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất hồi tháng 12/2020.
Hôm 21/2, Trung Quốc phủ nhận mảnh vỡ tên lửa đến từ nhiệm vụ của họ. Dữ liệu theo dõi từ Phi đoàn Kiểm soát Vũ trụ số 18 Lực lượng Không gian Mỹ cũng xác nhận tầng trên của tên lửa Hằng Nga 5-T1 rơi trở lại khí quyển vào năm 2015.
Tàu LRO hoạt động trên quỹ đạo từ năm 2009 và từng tìm thấy nhiều địa điểm hạ cánh của tàu Apollo trong các nhiệm vụ từ năm 1969 đến 1972. LRO thậm chí phát hiện khu vực va chạm như nơi mảnh vỡ tên lửa trong nhiệm vụ Apollo 16 đâm xuống Mặt Trăng năm 1972. Con tàu chuyên tìm kiếm dấu hiệu của nước và lập bản đồ độ phân giải cao của bề mặt Mặt Trăng. Dữ liệu của tàu đóng vai trò quan trọng giúp NASA lập bản đồ và lên kế hoạch thám hiểm cho chương trình Artemis để quay lại thám hiểm Mặt Trăng vào cuối thập kỷ.
An Khang (Theo Space)
- Trung Quốc phủ nhận mảnh vỡ tên lửa đâm vào Mặt Trăng