Seawind Ocean Technology, công ty có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, hợp tác với công ty Petrofac tại London, Anh, để lắp đặt turbine gió nổi hai cánh quạt mới ở vùng biển châu Âu năm 2024, Interesting Engineering hôm 23/2 đưa tin.
Seawind Ocean Technology, công ty thiết kế các turbine gió độc đáo, khẳng định chúng có thể hoạt động ở những nơi dễ xuất hiện bão và vùng biển sâu, biển động, nhờ cấu trúc nổi bằng bê tông. Turbine gió có tuổi thọ khoảng 50 năm và có thể hoạt động trong những môi trường bất lợi nói trên mà ít cần bảo dưỡng. Chúng được lắp ráp tại bến cảng nhờ cần trục và không đòi hỏi tàu lắp đặt.
Trong khi hầu hết turbine gió hiện nay có ba cánh quạt, mẫu mới nhất của Seawind Ocean Technology mang tên 6-126 chỉ có hai. Turbine này sử dụng công nghệ bản lề nghiêng đã được cấp bằng sáng chế giúp chia tách trục với cánh quạt, bảo vệ turbine khỏi các tình huống có thể gây hại.
Turbine 6-126 có khả năng kiểm soát lệch hướng chủ động, giúp đạt vận tốc cao hơn. Theo Seawind Ocean Technology, 6-126 có công suất định mức 6,2 MW. Cánh quạt đường kính 126 m đạt tốc độ quay 20,8 vòng mỗi phút. Trong khi đó, tốc độ di chuyển tối đa của đầu cánh quạt là 137 m mỗi giây.
Công ty Petrofac sẽ hỗ trợ kiểm tra thiết kế cho hệ thống turbine, cung cấp thông tin chuyên môn về kỹ thuật cho dự án, giúp phát triển turbine gió đầu tiên của Seawind Ocean Technology. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, những turbine 6-126 đầu tiên sẽ được lắp đặt trên biển Địa Trung Hải vào quý I năm 2024.
Dự án của Seawind Ocean Technology và Petrofac là một bước phát triển mới với turbine gió nổi - công nghệ hứa hẹn sẽ nâng cao khả năng tạo ra năng lượng sạch của thế giới, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Một công ty khác, Wind Catching Systems, cũng đang phát triển hệ thống turbine gió nổi của riêng mình với 126 cánh quạt nhỏ. Theo Wind Catching Systems, công nghệ mới sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho các công ty năng lượng gió.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)
- Cầu đi bộ làm từ cánh turbine gió
- Dự án điện gió ngoài khơi xa nhất Trung Quốc phát điện