Mẫu máy bay siêu thanh cực êm do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết kế và chế tạo được chuyển tới Texas để tiến hành thử nghiệm kết cấu quan trọng trước chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay. Máy bay X-59 luân chuyển giữa các cơ sở của công ty Lockheed Martin vào cuối tháng 12/2021. Việc di chuyển mẫu máy bay giữa Palmdale, California và Fort Worth, Texas giúp tận dụng thiết bị chuyên dụng sẵn có để đảm bảo phương tiện không phải chịu quá nhiều áp lực trong không trung.
"Thiết kế và chế tạo máy bay từ con số 0 ở Palmdale rất tốn kém và mất thời gian", Mike Buonanno, kỹ sư hàng không của Lockheed Martin, trưởng nhóm phát triển X-59, cho biết hôm 11/2. "Ở Fort Worth, họ có cơ sở hoàn hảo với phòng điều khiển đầy đủ và tất cả thiết bị hỗ trợ cần thiết để thực hiện các thử nghiệm hiệu quả".
Máy bay siêu thanh di chuyển rất nhanh trong không trung nhưng điểm hạn chế là tiếng ồn và rung động. Tiếng nổ siêu thanh sinh ra khi máy bay bay nhanh hơn vận tốc âm thanh, tạo ra độ ồn lớn, làm vỡ kính và gây ra nhiều thiệt hại khác cho những tòa nhà bên dưới. Ví dụ, tiếng nổ siêu thanh của máy bay Concorde nổi tiếng, ngừng hoạt động vào năm 2003, lên tới 105 decibel, ồn không kém sét đánh. NASA đang tìm cách phát triển phương tiện bay nhanh mà không gây áp lực môi trường. Theo NASA, máy bay X-59 không ồn hơn tiếng sập cửa từ khoảng cách 6 m.
Tại Texas, các kỹ sư sẽ hiệu chỉnh cảm biến nhằm hiểu rõ áp lực đối với kết cấu máy bay trong quá trình bay. Họ sẽ so sánh kết quả với mô hình vi tính dự đoán hiệu suất của X-59 và cần đặc biệt cẩn thận bởi đây là nguyên mẫu của một hệ thống đắt đỏ.
Chương trình đã hoàn thành 80% thử nghiệm kết cấu vào tuần cuối cùng của tháng 1/2022 và mọi thứ tiến triển tốt. NASA chưa thông báo khung thời gian hoàn thành thử nghiệm nhưng tiếp theo các kỹ sư sẽ điều chỉnh bình nhiên liệu, sau đó đưa X-59 trở lại Palmdale để lắp ráp nốt tất cả hệ thống còn lại. Theo dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra cuối năm 2022 trên sa mạc California.
An Khang (Theo Space)
- Công nghệ nhìn xuyên thân máy bay của NASA