Electra 130 nằm trong vành đai tiểu hành tinh chính giữa sao Mộc và sao Hỏa, được phát hiện vào ngày 17/2/1873 bởi nhà thiên văn học Christian Peters tại Đài quan sát Litchfield ở New York, nhưng mãi đến năm 2003, sau 130 năm, các nhà khoa học mới tìm thấy mặt trăng đầu tiên của thiên thể và đặt tên cho nó là S/2003 (130) 1.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 2014, mặt trăng thứ hai mang tên S/2014 (130) 1 được xác nhận và kể từ đó đến nay, tiểu hành tinh Elektra 130 được cho là chỉ có hai vệ tinh quay quanh.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters hôm 8/2, các nhà nghiên cứu từ Đài thiên văn phía nam châu Âu (ESO) đã xác nhận sự tồn tại của mặt trăng thứ ba trên quỹ đạo của Elektra 130, biến nó trở thành tiểu hành tinh đầu tiên được biết đến trong hệ Mặt Trời có ba vệ tinh tự nhiên.
Mặt trăng mới, được đặt tên là S/2014 (130) 2, rộng 1,6 km và mất 16,3 giờ để hoàn thành mỗi vòng quay xung quanh Elektra 130 ở khoảng cách quỹ đạo trung bình 340 km. Đây là vệ tinh nhỏ nhất trong hệ thống và bay gần vật thể mẹ nhất.
Để so sánh, S/2003 (130) 1 và S/2014 (130) 1 có chiều rộng tương ứng 6 km và 2 km, lần lượt quay quanh tiểu hành tinh Elektra 130 ở khoảng cách quỹ đạo trung bình 1.300 km và 500 km.
Một điều đặc biệt khác là S/2014 (130) 2 được phát hiện từ cùng một bộ dữ liệu mà các nhà khoa học đã sử dụng để khám phá mặt trăng thứ hai S/2014 (130) 1, do đó chúng có tên gọi gần giống nhau. Bộ dữ liệu này được thu thập bởi thiết bị SPHERE gắn trên Kính Viễn vọng Rất lớn (VLT) do ESO vận hành ở Chile.
Phát hiện mới sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu cơ chế hình thành của mặt trăng xung quanh tiểu hành tinh một cách dễ dàng hơn, từ đó có thể dẫn đến những khám phá mới về các vật thể mờ nhạt và khó quan sát khác trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo Mashable)
- Phát hiện ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao gần nhất
- Ảnh chụp tiểu hành tinh rộng 225 m lao tới gần Trái Đất