Dấu vết của một trong những trận lũ cổ đại lớn nhất vẫn còn lưu lại ở phía đông bang Washington, tại khu vực có tên Channeled Scablands. Trong thời gian dài, các nhà địa chất học chật vật tìm hiểu đặc điểm động lực của các trận lũ này.
Sử dụng mô hình siêu lũ cổ đại, Tamara Pico, trợ lý giáo sư ngành Trái Đất và khoa học hành tinh ở Đại học California, Santa Cruz và cộng sự kiểm tra liệu điều chỉnh đẳng tĩnh băng hà (GIA) - biến dạng ở vỏ Trái Đất khi những khối băng nặng hình thành và tan chảy - có ảnh hưởng tới Channeled Scabland hay không. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
"Chúng tôi sử dụng những thí nghiệm tương đối đơn giản nhưng khả thi để kiểm tra liệu GIA có tác động đáng kể tới tốc độ tháo lũ và xói mòn ở hai dải đất lớn tại Scabland là Cheney-Palouse và Telford-Crab Creek hay không. Chúng tôi lập mô hình GIA để dựng lại địa hình của Channeled Scabland ở các thời điểm khác nhau trong trận lụt cuối kỷ Băng Hà", Pico cho biết.
Các nhà địa chất học nhận thấy tác động của sông băng tan chảy lên vỏ Trái Đất nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng đối với siêu lũ. GIA gây ra biến dạng vỏ Trái Đất ở Channeled Scabland với tốc độ 10 mm/năm, gấp nhiều lần tốc độ nâng của mặt đất do kiến tạo, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động tháo lũ. Việc phục dựng sự kiện giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu cách lũ lụt định hình cảnh quan trên Trái Đất và sao Hỏa.
Những thềm băng bao phủ khu vực rộng lớn ở Bắc Mỹ vào kỷ Băng Hà cuối cùng, nhưng chúng bắt đầu tan chảy cách đây khoảng 20.000 năm. Siêu lũ Missoula được cho là xảy ra 15.500 - 18.000 năm trước. Hồ Missoula hình thành khi một mảng lớn của thềm băng Cordillera chặn ngang thung lũng Clark Fork và nước sông băng tan chảy tích tụ ở phía sau. Nhiều yếu tố kết hợp khiến khối băng tan vỡ, dẫn tới siêu lũ. Tuy nhiên, khi nước chảy tràn qua, đập băng lại tái hình thành và nước tiếp tục tích tụ. Quá trình có thể lặp lại vài lần trong hàng nghìn năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự biến dạng của vỏ Trái Đất do quá trình mở rộng của thềm băng khiến độ cao của cảnh quan thay đổi hàng trăm mét trong thời kỳ này.
An Khang (Theo Science Alert)
- Băng vùng cực tan chảy làm méo vỏ Trái Đất