1999 VF22 được xếp loại "có khả năng gây nguy hiểm" vì có kích thước khá lớn và bay gần Trái Đất. Tuy nhiên, vào tuần tới, nó sẽ bay sượt qua hành tinh xanh một cách an toàn.
Khoảng cách gần nhất giữa 1999 VF22 và Trái Đất trong chuyến tiếp cận này là 5.366.000 km, gấp gần 14 lần khoảng cách Trái Đất - Mặt Trăng. Nếu muốn thấy tiểu hành tinh này bay qua, người quan sát cần sử dụng một kính viễn vọng tốt.
Cơ sở dữ liệu Vật thể nhỏ thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ước tính độ sáng tuyệt đối (M) của 1999 VF22 là 20,7. Trong khi đó, độ sáng tuyệt đối của Mặt Trời là 4,83 (thiên thể càng sáng thì chỉ số này càng nhỏ). Tuy nhiên, không có albedo - lượng ánh sáng được bề mặt phản chiếu - nên rất khó xác định kích thước thực của 1999 VF22. Đường kính ước tính của tiểu hành tinh là 190 - 430 m. Một số quan sát vào năm 2019 cho rằng nó rộng khoảng 225 m.
Đây là chuyến tiếp cận Trái Đất gần nhất của 1999 VF22 trong hơn một thế kỷ. Tiểu hành tinh này dự kiến tới sát Trái Đất hơn vào ngày 23/2/2150. Trước đó, chuyến tiếp cận gần nhất diễn ra vào ngày 31/10/1999. Dù có kích thước lớn và bay gần Trái Đất, chương trình Khảo sát Bầu trời Catalina không phát hiện ra nó cho đến ngày 10/11/1999.
Giới khoa học đang phát triển những biện pháp phòng thủ để đối phó với nguy cơ tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất. Ví dụ, tháng 11 năm ngoái, NASA phóng thành công tàu vũ trụ DART nhằm thử nghiệm làm chệch hướng tiểu hành tinh. Có rất nhiều tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời nhưng NASA đặc biệt quan tâm đến những vật thể gần Trái Đất. Tính đến tháng 12/2021, khoảng 28.000 tiểu hành tinh như vậy đã được phát hiện.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- Phát hiện ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao gần nhất
- Tiểu hành tinh bay đồng hành với Trái Đất 4.000 năm