Ở độ cao 400 km, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhìn xuống Trái Đất và thấy một ốc đảo hình trái tim nổi bật giữa sa mạc Ai Cập vào tháng 5 năm ngoái. Ngày 14/2 vừa qua, họ chia sẻ bức ảnh như một món quà Valentine đặc biệt cho hành tinh xanh, theo tổ chức Earth Observatory thuộc NASA.
Ốc đảo mang tên Faiyum, là một lưu vực đất ngập nước rộng hơn 1.200 km2. Nơi này đã có người sinh sống suốt khoảng 8.000 năm và là khởi nguồn của một số chiến tích kỹ thuật tham vọng thời cổ đại.
Được nuôi dưỡng bởi Bahr Yussef, kênh nước tự nhiên của sông Nile gần đó, ốc đảo từng là một hồ nước lung linh mang tên Moeris. Sự tồn tại của hồ phụ thuộc vào lũ theo mùa từ sông Nile, theo khoa địa lý thuộc Đại học College London (UCL).
Khi nước lũ sông Nile quá thấp, những người cai trị Ai Cập cổ đại đôi khi phải thực hiện những biện pháp táo bạo. Có bằng chứng cho thấy các pharaoh sống cách đây 4.000 năm từng xử lý một đợt thiếu nước nghiêm trọng bằng cách mở rộng Bahr Yussef để đưa nước đến khu vực này.
Đây là một trong những dự án thủy văn quốc gia quy mô lớn diễn ra sớm nhất trên thế giới. Các vị vua của Vương triều 12 là Amenemhat I - III phụ trách việc này và nhận được danh hiệu "vua kỹ thuật", theo UCL.
Ngày nay, hồ nước cổ đại tiếp tục tồn tại dưới dạng hồ Qarun nhỏ hơn nhiều. Nhờ những công việc kỹ thuật cổ đại, phần còn lại của lòng hồ Moeris rộng lớn vẫn là ốc đảo màu mỡ giúp nhiều ngôi làng, thị trấn, trang trại và vườn cây ăn quả phát triển. Trong ảnh, đó là những vùng loang lổ màu xám tạo nên trái tim.
Thu Thảo (Theo Live Science)
- Biến sa mạc thành 'ốc đảo' điện mặt trời