Theo Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy (INGV), vụ phun trào xảy ra ngay trước lúc nửa đêm hôm 10/2 và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Tuy nhiên, nó đã bắn một cột tro bụi cao tới 10 km vào không khí.
Etna là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Âu, nhưng không thường xuyên phun trào dữ dội như vậy. Những cơn bão núi lửa kèm theo sét mới chỉ được quan sát thấy vài lần ở Etna vào năm 2015 và năm 2021.
Sét núi lửa và sét trong mây bão đều hình thành do sự va chạm của các hạt, nhưng thay vì các hạt băng trong mây bão thông thường, sét núi lửa là do các hạt magma (đôi khi là cả băng) tạo nên, theo Adam Varble, nhà nghiên cứu giông bão tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương.
Sự va chạm hoặc phân mảnh của đá và tro bụi tạo ra tĩnh điện trong miệng núi lửa, dẫn đến một hiện tượng được gọi là giông bão bẩn. Hơi ẩm đối lưu và sự hình thành băng cũng thúc đẩy động lực phun trào và có thể kích hoạt sét núi lửa.
Không giống như giông bão thông thường, sét núi lửa cũng có thể xảy ra trước khi bất kỳ tinh thể băng nào hình thành trong đám mây tro bụi. Nhà nghiên cứu Boris Behnke từ INGV cho biết thêm rằng, hiện tượng hiếm gặp này dễ bắt gặp hơn ở những ngọn núi lửa nằm gần biển.
Núi Etna nằm trên bờ biển phía đông đảo Sicily ở trung tâm Đại Trung Hải. Với chiều cao 3.357 m và diện tích bao phủ lên tới 1.190 km2, đây là ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất ở Italy. Nó nằm trên ranh giới của mảng hội tụ châu Phi và mảng Á-Âu.
Đoàn Dương (Theo AP/Reuters)
- Tại sao núi lửa Tonga tạo ra lượng sét kỷ lục?
- Núi lửa phun trào khiến hòn đảo rộng thêm 43 ha