Ngày 13 tháng Hai năm 1997, một cơn sóng thần hàng trăm năm có một đã đánh thẳng vào con tàu chở hàng Tokio Express, gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất mọi thời đại. 62 container khổng lồ rơi ra khỏi tàu và một trong số đó vỡ ra, làm gần 5 triệu mảnh ghép Lego rơi ra biển.
Vào ngày định mệnh đó, chiếc container chứa đầy mảnh ghép Lego trên con tàu Tokio Express được khởi hành từ cảng Rotterdam, Hà Lan với lộ trình hướng đến cảng New York, Mỹ. Nhưng khi cách bờ biển phía Tây Cornwall 32km, một cơn sóng thần khổng lồ đã làm con tàu này nghiêng đến 60 độ về một hướng và sau đó 40 độ theo hướng ngược lại, hất hàng chục container – trong đó có container chứa đầy Lego – xuống biển.
Đó là lý do một lượng lớn các mảnh ghép Lego này lại trôi dạt vào các bãi biển ở phía Tây nước Anh.

Ngay sau sự kiện tồi tệ này, những người đi dạo trên bãi biển Cornwall, Anh bắt đầu nhặt được các mảnh nhựa Lego với màu sắc rực rỡ. Và đến tận bây giờ, 25 năm sau thảm họa, vô số mảnh Lego rơi ra từ vụ tai nạn này vẫn xuất hiện trên bãi biển Cornwall với hình dạng không mấy đổi khác so với trước.
Nhà văn người Anh Tracey Williams đã bắt đầu thu thập các mảnh Lego trôi dạt vào bờ biển nước Anh từ năm 1997 sau thảm họa trên và một thập kỷ sau, bà còn thành lập một group Facebook có tên "Lego Lost at Sea" để mọi người chia sẻ các bức ảnh về những mảnh Lego mà họ thu thập được trên các bãi biển của Anh.
Theo bản kê khai của con tàu, khoảng 4,7 triệu mảnh Lego đã rơi xuống biển trong đó có gần 3,2 triệu mảnh đủ nhẹ để nổi lên trên biển. Đến năm 2015, BBC cho biết đã có hơn 40 địa điểm khác nhau ở Cornwall thông báo nhặt được các mảnh ghép Lego. Bà Williams cho biết, bà cùng gia đình đã nhặt được hàng nghìn mảnh ghép Lego từ sau tai nạn đó.


Những mảnh Lego được nhặt lên từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước
Ban đầu, mọi người thường nhặt được các mảnh ghép kích thước nhỏ nhẹ, hình dép, áo phao, bông hoa hoặc bạch tuộc. Những con rồng đen hoặc xanh lục cũng thường thấy trên bãi biển dù chúng nặng hơn tương đối. Điều này có thể là vì chúng chứa các túi khí nên có thể nổi được.
Các hình ảnh chụp cho thấy, dù đã trải qua nhiều năm trôi dạt trên biển, các mảnh ghép Lego này vẫn không mấy thay đổi về kích thước so với nguyên bản. Trên thực tế, các mảnh ghép Lego này có thể mất nhiều hơn hàng trăm năm mới có thể bị phá hủy. Gần đây, sau khi phân tích các mảnh ghép Lego này dưới tia X-quang huỳnh quang, các nhà khoa học nhận ra có thể mất đến 1.300 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn các mảnh ghép Lego rơi xuống biển từ năm 1997.
Đây chính là một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất với ô nhiễm nhựa khi chúng có thể mất nhiều thế kỷ để phân hủy trong đại dương, cũng như thải ra các hóa chất gây hại cho hormone động vật và phá vơ quá trình sinh sản của chúng.
Tham khảo Livescience
https://genk.vn/roi-xuong-bien-tu-25-nam-truoc-gan-5-trieu-manh-lego-van-dang-troi-dat-tren-bien-va-do-la-mot-tham-hoa-cho-moi-truong-2022021313324984.chn Lấy link