Bài viết không bàn về vụ kiện giữa ca sĩ Duy Mạnh và Mercedes Việt Nam mà chỉ nói về tập tính của loài chuột thích cắn phá đồ vật, gây ra những tổn thất cho con người mà dây điện trong ô tô là một ví dụ.
Vì sao chuột thích cắn dây điện xe ô tô?
Loài gặm nhấm nhỏ bé như chuột có thể làm hỏng cả một chiếc xe ô tô to gấp hàng trăm lần cơ thể của chúng. Nghe có vẻ như chuyện đùa nhưng đây lại là vấn đề dai dẳng trong việc bảo vệ xe kéo dài nhiều năm qua.
Chuột không quan tâm xe mới hay cũ, xe sang hay xe bình dân. Chúng sẽ coi bất kỳ chiếc xe nào cũng là tổ ấm của mình.

Chuột có thể bị thu hút bởi hệ thống dây điện của xe cộ vì khá giống với cây bụi, dây leo trong tự nhiên.
Theo Detroit Free Press, những năm gần đây, người ta quy vào việc các nhà sản xuất ô tô sử dụng đậu nành và các sản phẩm hữu cơ để sản xuất dây dẫn ô tô (giảm ô nhiễm môi trường) là thứ thu hút chuột đến phá hoại.
Một số vụ kiện tập thể ở Mỹ đã được đệ trình chống lại các nhà sản xuất ô tô lớn trong những năm gần đây với nguyên do này. Nhiều người phải chịu thiệt hại từ hàng trăm đến hàng nghìn đô la tiền sửa chữa vì các loại dây bọc cách điện, dây dẫn trong xe bị chuột cắn. Thậm chí, có những vụ hỏng xe bí ẩn không thể tìm ra cho đến khi phát hiện vấn đề đến từ loại gặm nhấm nhỏ bé.
Tuy nhiên, các vụ kiện sau đó đã bị bác bỏ và người ta nhận ra nguyên nhân đến từ bản năng sinh học của chuột nhiều hơn. Câu chuyện chuột nhai đồ vật đến từ một lý do thực tế hơn nhiều: chúng cần mài răng.
Điều này là do răng của chúng không ngừng phát triển. Nếu các loài gặm nhấm như sóc và chuột không mài răng, răng của chúng sẽ phát triển dài đến mức không thể ăn được.
Chúng sẽ nhai bất cứ đồ vật cứng gì đó, kể cả là nhựa, cao su, để giải quyết vấn đề, không cứ là dây điện ô tô. Việc nhai dây điện ô tô được chú ý vì điều này thường xuyên gây ra những sự cố cho người lái xe và làm hỏng xe.
Các hãng xe lớn như Ford, General Motors, Honda, Toyota và Subaru đều có các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật viên cách khắc phục tình trạng dây điện bị cắn.
Có nhiều câu chuyện về những sinh vật nhỏ, lông lá này nhai đứt dây trợ lực lái, nhét đầy quả sồi vào ống hút gió động cơ và làm tắc ống dẫn điều hòa không khí bằng tổ của chúng.

Cũng có thông tin cho rằng hệ thống dây điện trên ô tô phát ra tín hiệu điện/từ thu hút loài gặm nhấm. Điều này không hoàn toàn sai; có nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng một số loài chuột có thể phát hiện ra từ trường.
Nhưng đây cũng không phải lý do chính khiến chúng quyết định làm tổ bên trong các khoang động cơ. Chuột thích làm tổ trong những không gian tối tăm với các ngóc ngách. Khoang động cơ cũng là một trong những nơi hoàn hảo trong mắt chúng. Chằng còn gì tốt hơn khi vừa có một chỗ trú tuyệt vời lại còn có sẵn công cụ mài răng.
Có một giả thuyết khác cho rằng loài gặm nhấm dường như bị thu hút bởi hệ thống dây điện của xe cộ vì chúng có phần giống với sự phát triển tự nhiên của cây bụi, dây leo và nhiều loại cây xanh khác có trong tự nhiên.
Thông thường, loài gặm nhấm có vẻ thích những chiếc xe đứng yên trong thời gian dài. Chính vì vậy, những chiếc xe để ngoài bãi không đụng đến sẽ là mục tiêu thường xuyên chúng nhắm đến.
Cách dễ nhất để xua đuổi loài gặm nhấm mài răng trên hệ thống dây điện của bạn là thường xuyên di chuyển xe. Khi khởi động xe, động cơ sẽ xua đuổi bất kỳ vị khách nào trú ngụ trong xe qua đêm.
Lời khuyên khác là nên khởi động xe thường xuyên và di chuyển xe từ chỗ này sang chỗ khác hoặc đỗ xe ở những nơi kín đáo, trong gara, tránh vương vãi thức ăn hoặc sử dụng tinh dầu đuổi chuột.
Dây điện làm bằng vật liệu gì mà chuột có thể cắn được?
Dây điện và các loại dây dẫn trong ô tô thường sử dụng nhiều loại vật liệu với các đặc tính khác nhau như PVC, PTFE với khả năng chịu nhiệt và độ bền cao.

Một chiếc Toyota Tundra có các phần dây bọc cách điện làm từ đậu nành bị chuột cắn, thiệt hại hết 1500 USD.
Một số loại dây chuyên dụng như TXL có lớp cách điện mỏng, nhẹ, phù hợp cho các dây chính, trong khi SXL có lớp cách điện dày, dùng cho các ứng dụng yêu cầu độ bền cao.
Nhưng dù cứng đến đâu, việc cắn đứt các loại dây này tương đối dễ dàng đối với hàm răng của chuột.
Dù lực cắn của chuột chỉ dao động từ 6 đến 21 Newton, yếu hơn nhiều so với chó (lên đến 750 Newton, ví dụ như chó German Shepherd) hoặc mèo (khoảng 295 Newton), nhưng so về kích thước cơ thể, lực cắn của chuột là khá mạnh. Chúng có thể gặm xuyên qua các vật liệu như gỗ, nhựa, cao su, nhôm mỏng, tường và đặc biệt là dây điện.
John Pappas, chủ sở hữu dịch vụ sửa chữa Main & Hudson Service tại ở Mỹ, cho biết mỗi tháng ông đều nhận được một chiếc xe bị chuột cắn thủng lớp phủ dây điện.
Pappas, người có doanh nghiệp gia đình đã hoạt động 53 năm, cho biết ông gặp vấn đề kiểu này nhiều hơn trong những năm gần đây, khi các hãng xe bắt đầu sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn.
"Họ đang bảo vệ môi trường trên dây điện", ông nói với Detroit Free Press. "Nhưng mọi thứ đều có mặt lợi và hại".
Theo Pappas, chuột cắn có thể khiến xe gặp nhiều vấn đề như không thể khởi động hoặc hiệu suất hoạt động kém. Phải mất đến vài tháng mới phát hiện ra vấn đề nằm ở đâu và chi phí sửa chữa thường từ "nhỏ đến khá đáng kể".
Doanh nhân này đùa rằng ông chưa thấy chuột có vẻ đặc biệt ưa thích một nhãn hiệu hoặc kiểu xe nào đó.
"Chúng chẳng phân biệt đối xử bất kỳ dòng xe nào", ông nói.
Lấy link